Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Điền: Hàng Việt đang chiếm được cảm tình của người Việt
Qua hơn một năm phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”, nhiều người cho rằng hàng Việt vẫn chưa thật sự chiếm lĩnh thị trường, nhất là tại các vùng nông thôn. Vậy chủ trương này thực hiện tới đâu? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền.
- Chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ tháng 8 năm ngoái, đến nay Bình Dương đã thực hiện tới đâu, thưa bà?
- Qua hơn một năm phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”, có thể nói đến nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị khác đã vào cuộc rất tốt. Trong thời gian qua chúng ta cũng đã tổ chức được rất nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này và đã góp phần nâng cao được nhận thức cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với hàng Việt. Hội Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) của tỉnh cũng đã trang bị cho NTD những kiến thức, quy định xung quanh việc sử dùng hàng hóa thế nào là thông minh nhất và hiệu quả nhất. Chính những tác động đó mà khuynh hướng ủng hộ hàng Việt trong NTD ngày càng tốt hơn.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công Thương thực hiện trong thời gian qua đã giúp DN tiếp cận ới NTD nông thôn
Về phía doanh nghiệp (DN), thời gian gần đây họ đã cố gắng nghiên cứu thị hiếu NTD Việt Nam và cũng đưa ra được những loại sản phẩm, hàng hóa ngày càng phù hợp. Trên nhãn hiệu hàng hóa, DN cũng đã tuân thủ các quy định về công bố chất lượng hàng hóa để NTD an tâm. DN tiếp cận NTD khá tốt, tạo sự thân thiện giữa nhà sản xuất và NTD, qua đó cũng xây dựng hình ảnh, thương hiệu trong lòng công chúng.
Riêng Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều chương trình, như: Chương trình xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhằm giúp DN phát triển được mạng lưới tiêu thụ, tư vấn cho NTD về sản phẩm của DN... Từ những thành công bước đầu đó, tôi nghĩ hàng Việt đang chiếm được cảm tình của người Việt, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” những năm tiếp theo sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
- NTD nông thôn cho rằng hàng Việt ít xuất hiện ở chợ truyền thống, khiến họ ít có cơ hội lựa chọn. Ở góc độ quản lý bà có nhận xét gì về vấn đề này?
- Đứng ở góc độ quản lý ngành, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn và được biết hàng Việt được bày bán tại trung tâm thương mại, siêu thị chiếm tỷ lệ rất cao, có nơi chiếm đến 90% lượng hàng. Còn tại các chợ truyền thống thì lượng hàng nhập từ nước ngoài được bày bán tương đối nhiều. Nhiều ở đây là được trưng bày bề nổi, nhưng thật ra hàng Việt ở chợ truyền thống cũng chiếm đa số.
Hiện nay, hàng Việt và hàng Trung Quốc đang có sự cạnh tranh quyết liệt về giá. Còn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thì chưa chắc hàng nhập đã có chất lượng cao hơn hàng Việt, bởi chưa có cơ sở kiểm chứng là hàng nhập tốt hơn hàng Việt. Do vậy, NTD cần có sự lựa chọn hợp lý với nhu cầu và giá cả khi mua sắm.
- Trong thời gian tới, Sở Công Thương và DN có giải pháp nào giúp NTD nông thôn tiếp cận với hàng Việt không, thưa bà?
- Hiện nay chúng tôi đang tổ chức, quản lý lại mạng lưới những người bán lẻ ở nông thôn, xem xét lại từng cửa hàng, từng sản phẩm mà tiểu thương kinh doanh. Trên cơ sở đó, các nhà DN được giao nhiệm vụ xây dựng mạng lưới phân phối, lồng ghép vào những cửa hàng tiện ích hoặc những đại lý để đưa hàng Việt về nông thôn. Kế hoạch đưa hàng Việt về nông thôn một cách vững chắc phải được thực hiện từng bước và chúng tôi đã có kế hoạch triển khai trong chương trình phát triển thị trường nội địa vào thời gian tới.
- Xin cảm ơn bà!
HÒA NHÂN