Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu: Ngành ngân hàng chủ động hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp

Thứ bảy, ngày 24/05/2014

- Thưa ông, NHNN đã có những động thái gì nhằm hỗ trợ các DN trên địa bàn bị thiệt hại?

- Hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh có quan hệ tín dụng với hàng trăm ngàn khách hàng DN, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ, tiếp cận, nắm bắt các thông tin kịp thời số khách hàng có quan hệ với ngân hàng (NH) trên địa bàn là công việc đầu tiên của ngành NH tỉnh. NHNN cùng với tổ công tác UBND tỉnh đã gặp gỡ các DN nhằm động viên, nắm chắc thực tế tình hình của DN; cùng các sở, ngành chức năng kiểm kê đánh giá về tài sản thiệt hại của các DN. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đề nghị Trung ương có những chính sách hỗ trợ hợp lý. Về phía ngành NH, chúng tôi đã họp với các TCTD trên địa bàn, quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh khắc phục khó khăn để NH hoạt động bình thường; đề nghị một số biện pháp, chính sách với NHNN Việt Nam nhằm hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các DN bị thiệt hại để trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

- Các giải pháp cụ thể đó là gì, thưa ông?

- Qua xem xét, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, NHNN Việt Nam một số giải pháp cụ thể. Hệ thống NH trên địa bàn sẵn sàng bảo đảm tiếp tục giữ mối quan hệ giao dịch về nguồn vốn cung ứng cho các DN, tổ chức; giữ hạn mức tín dụng đã ký kết với các DN. Trong điều kiện có thể, các TCTD sẽ xem xét cho vay thêm đối với một số DN đủ điều kiện, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất và thực hiện các hợp đồng sản xuất với đối tác. Đề nghị Thống đốc NHNN, Chính phủ có cơ chế, chính sách khoanh nợ, gia hạn nợ hoặc giãn nợ, miễn giảm lãi trên cơ sở mức độ thiệt hại cụ thể của từng DN để tạo điều kiện cho các DN này có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nếu không thực hiện điều này, DN sẽ rơi vào tình trạng nợ quá hạn, khó khăn chồng chất khó khăn mà NH cũng gặp rủi ro trong thu hồi nợ.

Tất cả các chính sách đó sẽ được triển khai thực hiện kịp thời khi có chủ trương và hướng dẫn của NHNN Việt Nam, dựa trên cơ sở kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để có sự hỗ trợ theo đúng quy định, phù hợp nhu cầu của DN. Trách nhiệm này sẽ do NHNN tỉnh, các TCTD kiểm kê đánh giá và có đề xuất cụ thể. Sau khi có chủ trương của NHNN Việt Nam về việc hỗ trợ, NHNN chi nhánh Bình Dương sẽ xúc tiến nhanh các thủ tục cần thiết để thực hiện nhanh chóng các chủ trương này. Riêng đối với trường hợp DN bị thiệt hại về hồ sơ, tài liệu có liên quan đến NH, trong điều kiện các NH có lưu trữ, sẽ hỗ trợ DN phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý hoạt động.

- Thiệt hại hiện tại của DN có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các NH không, thưa ông?

- Thực tế, thiệt hại của DN cũng là thiệt hại của NH. Ở góc độ nào đó, các tài sản bị thiệt hại đều được thế chấp tại NH. Như vậy, vô hình chung những thiệt hại này cũng làm cho tài sản bảo đảm nợ vay bị giảm sút. Đó là một phần rủi ro của NH. Tuy nhiên, bằng trách nhiệm, chúng tôi xác định, hoạt động của DN đang gặp khó khăn, ngành NH càng phải chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cộng đồng DN. Chúng tôi luôn sẵn sàng sẻ chia sẽ thông qua các giải pháp như không rút hạn mức tín dụng hoặc hạn chế cho vay mà ngược lại sẽ tiếp tục hỗ trợ DN về thanh toán cũng như tất cả các dịch vụ khác một cách bình thường. Hiện nay, hoạt động của hệ thống NH trên địa bàn rất ổn định, các TCTD đều thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và sẵn sàng phục vụ nhu cầu tài chính tiền tệ của DN.

- Xin cảm ơn ông! 

  THANH HỒNG