Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và đầu tư hạ tầng Hoàng Quang Hưng (Tân Uyên): “Để doanh nghiệp và ngân hàng trở thành đôi bạn đồng hành thân thiết”

Thứ tư, ngày 08/08/2012

Trước đây, doanh nghiệp (DN) kêu vì lãi suất ngân hàng (NH) quá cao. Đến khi NH hạ lãi suất thì tình hình “sức khỏe” của một số DN đã rơi vào tình trạng quá yếu, chưa kể một số phải bỏ cuộc vì không chịu nổi gánh nặng lãi vay, cùng với nhiều khó khăn khác do ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu. Điều này là do quy luật của thị trường, tuy nhiên nếu có sự can thiệp sớm từ Chính phủ thì tổn thất sẽ ít hơn.

Theo tôi, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, thể hiện bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà nước đã tin tưởng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân sử dụng và pháp luật cũng bảo đảm các quyền cơ bản đó để khi cần có thể sang nhượng, cầm cố, thế chấp... Có thời kỳ hễ có nhà, đất mà thực chất là sổ đỏ, mang đi thế chấp NH thì được vay đến 70% giá trị. Lúc đó, những người kinh doanh bất động sản (BĐS) được NH chào đón và được xem là đối tượng ưu tiên, dù không có một thống kê hay tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể nào. Sự dễ dãi đó đã góp phần đáng kể vào việc phát triển quá nóng của thị trường BĐS, dẫn đến kết quả như ngày hôm nay! Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, DN mang tài sản là BĐS đi thế chấp để lấy vốn làm ăn thì bị phía các NH từ chối! Điều này cũng đúng vì NH không bao giờ muốn khách hàng của mình đã khó lại thêm khó, hay nói đúng hơn là NH phải chọn sự an toàn vì NH cũng là DN với lĩnh vực kinh doanh mang tính đặc thù.

Thực tế mà tôi muốn đề cập sau bài học này là Nhà nước cần mở ra cơ chế, chính sách mới, tạo điều kiện để NH chủ động, mạnh dạn hơn trong việc hợp tác, hỗ trợ DN, chứ nếu chỉ dừng lại như hiện nay thì NH chỉ là cái tiệm cầm đồ kiểu mới! Bởi vì suy giảm kinh tế, nhu cầu mua của thị trường giảm sút thì không chỉ với BĐS mà hàng hóa các ngành sản xuất khác cũng bị tồn kho. Muốn vượt qua được trở ngại này, trước tiên phải có lối ra là sản phẩm mới, phải có thị trường mới. Nhưng muốn chinh phục được cái khó này thì phải có nguồn vốn mới, mà nguồn vốn mới bị bế tắc thì DN cầm chắc thất bại, kéo theo NH phải mất công xử lý khối tài sản thế chấp, trong khi chuyên môn của NH là kinh doanh tiền tệ, còn hàng tồn kho, thế chấp thì rất đa dạng.

Không ai cùng lúc biết hết và thực hiện thành công được nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực. Muốn vậy, Nhà nước phải có chính sách ổn định, lâu dài và can thiệp kịp thời để DN và NH trở thành đôi bạn đồng hành thân thiết.

DUY CHÍ (ghi)