Giám đốc Công ty TNHH ASAMA YUH JIUN INTERNATIONAL VIỆT NAM (KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An) Châu Vĩ Chí: Người lao động cần trang bị ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp
Khi đã chọn cho mình một công việc, một nghề để kiếm sống thì ai cũng mong muốn được thăng tiến chức vụ hoặc được nâng cao tay nghề. Đây không chỉ là đòi hỏi thực tế của cuộc sống, mà còn là quy luật của sự phát triển.
Trong khuôn khổ hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài những năm qua, tôi nhận thấy người lao động Việt Nam rất siêng năng, cần cù và phát triển tay nghề rất nhanh nhờ biết quan sát, biết tự điều chỉnh mình và có tinh thần học hỏi cao. Phần lớn lao động đều có chí cầu tiến, muốn được gắn bó dài lâu và vươn lên trong công việc. Nhưng đa số lao động chưa được trang bị kỹ năng “làm thế nào để có thể thăng tiến trong công việc”?
Trở ngại lớn nhất giữa người lao động với cấp quản lý, chủ quản trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề ngôn ngữ, kế đến là văn hóa ứng xử. Một cán bộ quản lý của doanh nghiệp khi ra nước ngoài nhận nhiệm vụ công tác thì ít nhiều đã được trang bị, hoặc họ tự trang bị cho mình kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán nơi mình sẽ đến công tác. Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở đây là, người nước ngoài rất thích thú khi được nói chuyện, học hỏi, giao lưu với người sở tại bằng ngôn ngữ của họ. Vì vậy người lao động nói chung và các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa công việc cũng nên trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết khi đi tìm việc hoặc muốn gắn bó lâu dài, thăng tiến trong công việc của mình.
Những trường hợp cụ thể nhất mà tôi đã chứng kiến là cách xã giao, chào, mời nhau ly nước giữa người lao động Việt Nam với người nước ngoài mà phải thông qua phiên dịch. Đơn cử như người ta nói “mời sếp uống nước”, nhưng phiên dịch họ dịch là “uống nước anh”! Ý nghĩa thì không có gì thay đổi nhưng phần nào gây mất cảm tình giữa khách và chủ. Xa hơn nữa là các vấn đề kỹ thuật, quản lý. Người phiên dịch đâu thể nào biết hết các vấn đề từ xã hội, ngoại giao đến kỹ thuật. Nên có khi cấp quản lý xuống xí nghiệp, hỏi thăm người lao động về các khó khăn, thuận lợi trong làm việc, sản xuất, phiên dịch do không rành từ ngữ kỹ thuật đã dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa để chuyển tải làm sai lệch nội dung, tạo ra khoảng cách vô lý. Vì vậy, việc gì người lao động có thể làm được thì hãy cố gắng thực hiện, đừng nên trông chờ, nhờ cậy người khác, cụ thể là trong trường hợp tôi vừa nêu.
Thấu hiểu thực tế này, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp học ngoại ngữ để người lao động tự nguyện tham gia. Các lớp học này doanh nghiệp đài thọ hoàn toàn, học viên chỉ cần đến lớp tích cực. Sau vài năm thực hiện hiệu quả mang lại thấy rõ. Rất nhiều vị trí quản lý của chuyên gia nước ngoài trong doanh nghiệp đã được thay thế bằng người Việt. Điều này vừa mang lại thành công cho doanh nghiệp vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
DUY CHÍ (ghi)