Giảm áp lực tăng giá cuối năm

Thứ tư, ngày 24/12/2014

Trong 11 tháng của năm 2014, lạm phát đã được kiểm soát tốt (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 2,08% so với tháng 12-2013. Đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ 10 năm gần đây), cùng với đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều tăng trưởng. Thị trường hàng hóa thiết yếu, nhất là các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng như xăng dầu, gas có xu hướng ổn định hoặc giảm sẽ góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá dịp cuối năm.

(BDO)

 Nhiều yếu tố thuận lợi khiến giả cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong tháng 12 có xu hướng ổn định hơn. Ảnh: T.HUỲNH

 Giá ổn định

Giá cả leo thang vào những tháng cuối năm luôn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng, nhưng theo dõi trên thị trường vài tháng qua cho thấy giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn trong xu hướng ổn định.

Tại chợ Thủ Dầu Một, hiện giá lúa tẻ thường loại hạt dài từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, gạo thường từ 13.500 - 14.500 đồng/ kg, gạo nàng hương Chợ Đào 17.500 đồng/kg. Các loại thịt như bò, gà, vịt vẫn ổn định. Cụ thể, thịt heo đùi, ba rọi, cốt lếch giá bán lẻ từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, thịt thăn từ 85.000 - 95.000 đồng/kg, sườn non từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Các loại rau ăn lá như bẹ xanh, cải ngọt, rau dền… giá 12.000 đồng/kg; cà chua, bí xanh, dưa leo 12.000 đồng/kg…

Nhận định chung về tình hình giá cả thị trường trên địa bàn chợ TP.Thủ Dầu Một của Sở Tài chính cho thấy, mặc dù đã bước vào dịp cuối năm, mùa cưới, tiệc tùng, chiêu đãi tăng lên, nhu cầu thực phẩm có tăng nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá cả các loại hàng hóa vẫn ổn định.

Theo Cục Quản lý giá, diễn biến giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm, tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng dầu trong tháng 11-2014 và đầu tháng 12 giá cước vận tải có xu hướng giảm, giá một số hàng hóa có khả năng ổn định hoặc giảm sẽ góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, nhiều mặt hàng được dự báo giá cả ổn định hoặc giảm, trong đó có gạo. Giá gạo thế giới và giá lúa gạo trong nước tháng 12-2014 có thể tiếp tục giảm hoặc ổn định trước nhu cầu gạo không cao, trong khi nguồn cung khá dồi dào như hiện nay. Giá mặt hàng đường, phân bón cũng không biến động, thậm chí giá đường còn giảm nhẹ trong thời gian tới do nhu cầu phân bón phục vụ vụ đông xuân tại miền Nam, vụ đông tại miền Bắc sẽ tăng nên hoạt động mua bán phân bón sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, cùng với giá phân bón trên thị trường thế giới đang ở mức thấp nên giá phân bón trong nước sẽ khó tăng.

Đối với giá đường trong nước, sản lượng đường tăng, cùng với lượng đường tồn kho dồi dào và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu, do đó dự báo giá đường tháng tới sẽ giảm nhẹ. Riêng 2 mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế là xăng dầu và giá gas, dự báo trong tháng 12 có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 11.

Chủ động kiểm soát thị trường

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, trong tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, một số yếu tố mùa vụ có khả năng gây áp lực lên mặt bằng giá như nhu cầu chuẩn bị hàng hóa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi tăng, sức mua có khả năng thanh toán tăng do đẩy mạnh giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, lượng kiều hối chuyển về tăng, cùng với thời tiết rét đậm rét hại xuất hiện nửa đầu tháng 12 năm nay nên nhu cầu đối với một số mặt hàng như may mặc, mũ nón, giày dép, thiết bị đồ dùng gia đình tăng.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, bình ổn thị trường giá cả, bảo đảm nguồn cung hàng hóa nói chung, hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm nói riêng, đáp ứng cho nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm và chuẩn bị cho tết. Đồng thời, thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá, chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội…

 TRÚC HUỲNH