Giảm 50% phí trước bạ, thế trận của các hãng xe sẽ có nhiều biến động
Khách Việt có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đồng để lăn bánh các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước khi phí trước bạ được điều chỉnh về mức 5-6%.
(BDO) Tại Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng đồng ý giảm 50% phí trước bạ đến hết 2020.
Việc điều chỉnh này chưa rõ ngày hiệu lực nhưng sẽ áp dụng với các mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, không áp dụng với xe nhập khẩu.
Hiện người mua xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tại Việt Nam chịu phí trước bạ 10%, riêng người có hộ khẩu Hà Nội là 12%. Giảm phí trước bạ không khiến giá xe giảm nhưng sẽ giúp khách hàng tiết kiệm tiền để được lăn bánh một chiếc xe mới. Giá xe càng cao, phí trước bạ càng lớn và càng chịu nhiều ảnh hưởng bởi quyết định mới.
Giá lăn bánh ô tô sẽ giảm hàng trăm triệu đồng
Mẫu xe lắp ráp trong nước đắt bậc nhất hiện nay là Mercedes-Benz S 450 Luxury có giá 4,969 tỷ đồng. Phí trước bạ phải nộp hiện nay nếu chủ xe ở Hà Nội là 12% x 4,969 tỷ đồng = 596 triệu đồng. Khi quyết định giảm 50% phí trước bạ chính thức có hiệu lực, khách hàng sẽ tiết kiệm 298 triệu đồng.
Tương tự vậy, khách hàng sắp mua Mercedes-Benz E 300 AMG sẽ bớt được 146 đến 175 triệu đồng khi lăn bánh nếu áp theo mức phí trước bạ mới. Cụ thể, mẫu xe này có giá 2,92 tỷ đồng và hiện phải đóng phí trước bạ 350 triệu đồng khi lăn bánh với biển số Hà Nội hoặc 292 triệu với biển số của các tỉnh thành khác.
Trong khi xe hạng sang lắp ráp trong nước sắp có giá lăn bánh rẻ đi hàng trăm triệu đồng thì khách hàng mua ô tô phổ thông có thể tiết kiệm vài chục triệu đồng.
Các mẫu xe VinFast cũng thuộc diện tính phí trước bạ 5-6% theo quyết định mới. Chẳng hạn hiện nay, để lăn bánh LUX SA 2.0 bản đặc biệt thì khách hàng ở TP Hồ Chí Minh phải nộp phí trước bạ là 10% x 1,578 tỷ đồng = 158 triệu đồng. Với việc phí trước bạ giảm 50%, người tiêu dùng sẽ chỉ cần nộp 79 triệu đồng. Fadil với giá 415 triệu đồng tới đây sẽ đóng phí trước bạ khoảng 21 triệu đồng thay vì 41,5 triệu đồng như hiện nay.
Thế trận của các hãng xe sẽ có nhiều biến động
Với chính sách mới, các doanh nghiệp có nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước như Trường Hải, Thành Công, VinFast, Toyota, Mercedes-Benz sẽ được hưởng lợi.
Khách hàng có thể chuyển dịch từ xe nhập khẩu nguyên chiếc sang các mẫu xe được nội địa hóa khi khoảng cách giá lăn bánh được gia tăng.
Ví dụ, khách hàng Hà Nội muốn được chạy chiếc Mazda CX5 2.0 Premium trên đường phải chi tổng cộng khoảng 1,09 tỷ đồng (đã gồm phí trước bạ hiện hành, phí đường bộ, biển số…), cao hơn một chút so với con số 1,08 tỷ đồng nếu chọn Honda CR-V 1.5 G.
Tình thế sẽ lật ngược lại khi quyết định giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực. Lúc này, giá lăn bánh mẫu xe của Mazda còn 1,03 tỷ đồng do là xe lắp ráp, trong khi Honda nhập Thái Lan nên không đổi.
"Quyết định mới có thể tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt về giá giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp khi một bên đang được hưởng lợi thế", một chuyên gia trong ngành nhận định. "Các công ty có thể phải điều chỉnh giá bán các mẫu xe nhập khẩu hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh của mình từ nay đến hết 2020 nhằm thích nghi với chính sách mới".
Theo Dân trí