Giải trình về tình hình vi phạm pháp luật an toàn giao thông

Thứ tư, ngày 06/03/2019

(BDO) Ngày 6/3, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.

Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp

Tại phiên giải trình, đại diện cho nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã nêu một số vấn đề nổi lên để các cơ quan làm rõ.

Nhóm nghiên cứu chỉ rõ tình hình trật tự an toàn giao thông trong các dịp tổ chức sự kiện quốc tế được bảo đảm tốt, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tình hình tai nạn giao thông trong các năm 2017, 2018 đều giảm so với năm trước trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng. Tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm 8.190 người chết; 14.792 người bị thương.

Về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an báo cáo về việc nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt và những quy định tuy đã được ban hành nhưng không phù hợp, gây khó khăn trong thực tiễn.

Bộ Y tế giải trình về những hạn chế, vướng mắc trong các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô, quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

Cảnh sát giao thông An Lạc (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đo nồng độ cồn, chất kích thích của lái xe. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao. Thậm chí, một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý; hoặc có tình trạng bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt.

Bên cạnh đó, từ lâu, dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận, việc kiểm tra mới được chú trọng.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ Giao thông Vận tải được đề nghị giải trình về việc một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề cập đến việc một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận. Một số nơi, người tham gia giao thông đã tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, Quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được thực hiện.

Xử lý doanh nghiệp thuê lái xe

Các đại biểu đã dành thời gian trao đổi, giải trình những hạn chế, tồn tại, khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông.

Đề cập đến tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất gây nghiện là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gần đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần có giải pháp mạnh để xử lý triệt để vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, thời gian qua, có hiện tượng một số lái xe tải sau khi vi phạm, bị thải loại thì xin đi lái xe taxi. Vì thế, để kiểm soát được vấn đề này, đại biểu kiến nghị cần cấm vĩnh viễn không cho hành nghề lái xe đối với những tài xế sử dụng ma túy. Khi phát hiện tài xế sử dụng ma túy, cơ quan chức năng thu bằng lái và ghi thẳng vào hồ sơ để không cấp bằng lái cho người đó nữa.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, khi xử lý lái xe sử dụng ma túy phải xử lý pháp nhân (chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải). Bởi, chủ doanh nghiệp chỉ đạo hoặc làm ngơ việc lái xe chở quá trọng tải, sử dụng ma túy, chủ doanh nghiệp là đồng phạm nên phải bị xử lý.

Giai trinh ve tinh hinh vi pham phap luat an toan giao thong hinh anh 2
Bên cạnh đó, theo ông Quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước, việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thời gian qua chưa nghiêm. Dẫn chứng việc cấp bằng lái xe dễ dãi hay việc xe chở hàng quá tải từ Lạng Sơn về đến Cà Mau mới bị phát hiện, ông Quyền nhấn mạnh, điều quan trọng là quản lý Nhà nước phải nghiêm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân; nếu không chỉ ra được trách nhiệm sẽ mãi mãi không xử lý mối họa tai nạn giao thông.

Giải trình một số vấn đề liên quan tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện nay một số Luật, Nghị định về xử phạt vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa đảm bảo sức răn đe. Các quy định về sử dụng hình ảnh để xử phạt chưa hoàn chỉnh.

“Khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định phải theo hướng đảm bảo sức răn đe, để người dân ý thức được việc chấp hành giao thông,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ngoài ra, lâu nay, chỉ xử lý lái xe mà chưa xử lý vấn đề gốc rễ là doanh nghiệp thuê lái xe. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, doanh nghiệp thuê lái xe phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát lái xe, khi để lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm của cả doanh nghiệp.

Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các điểm đen. Trong năm 2018, ngành đã xử lý hơn 200 điểm đen. Năm 2019, ngành sẽ xử lý 44 điểm đen và 160 điểm tiềm ẩn nguy cơ là điểm đen. Vừa qua, ngành đã xử lý ở một số điểm đen như đèo Lò Xo và một số đèo khác, tăng cường biển báo tại các nơi này...

Liên quan đến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị trình Đề án lên Chính phủ.

“Về việc xử lý các tuyến đường hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến tiềm ẩn tai nạn, chúng tôi đã giao cho các cơ quan liên quan. Trong các cuộc họp, chúng tôi nói rõ tinh thần các đơn vị duy tu sửa chữa đường bộ, nếu vị trí nào xảy ra nhiều tai nạn, sẽ truy cứu trách nhiệm của các cán bộ được phân công. Mỗi khu vực đều có các chi cục, các chi cục phải có trách nhiệm phản ánh kịp thời, đề ra các giải pháp hiệu quả. Nếu để xảy ra tai nạn sẽ bị quy trách nhiệm ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Giảm tai nạn giao thông từ 5%-10% trên cả 3 tiêu chí

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan và các địa phương đã quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước. Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng, với số lượng lớn, đáng báo động về số người chết, người bị thương. Trước thực trạng này, Quốc hội cần tăng cường giám sát tối cao về việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ; Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia...

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông để đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5%-10% trên cả 3 tiêu chí; thắt chặt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ; lắp đặt 100% hệ thống camera tại các điểm tuần tra, kiểm soát giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, rà soát các tuyến đường giao thông, kịp thời lắp đặt, khắc phục, sửa chữa các biển báo giao thông, vạch kẻ đường… đã bị hỏng, mờ không còn hiệu lực đồng thời, ngành Giao thông Vận tải trang bị các thiết bị thiết yếu nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông xảy ra như làm dải phân cách cứng trên các tuyến đường quốc lộ, lắp đặt hệ thống camera quan sát có lưu hình ảnh tại các nút giao thông quan trọng và các “điểm đen” thường xảy ra tai nạn giao thông; xóa bỏ hoàn toàn các đường tự mở trái phép qua đường sắt...

Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khám, cấp giấy khám sức khỏe cho người học lái xe và người tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất là 15 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông trong năm 2018 tăng trên 10%; ba địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 20% chú trọng thực hiện các nhiệm vụ có liên quan về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt các yêu cầu, kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia…/.

Theo TTXVN