Giải quyết vấn nạn bạo lực học đường: Cần có giải pháp căn cơ
Trong số báo Bình Dương ra ngày 4-12 có bài viết “Chờ bạn trước cổng trường, một học sinh bị đâm”, phản ánh vụ việc học sinh của một trường trung học phổ thông ở TX.Thuận An đã dùng hung khí tấn công bạn ngay trước cổng trường khiến nạn nhân phải nhập viện. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một hình thức bạo lực học đường. Vậy làm thế nào để không tái diễn những trường hợp tương tự? Chúng tôi xin nêu ý kiến của một số bạn đọc.
Tạo các sân chơi cho học sinh để giảm thiểu vấn nạn bạo lực học đường
* Bà TRỊNH THỊ HÒA HẠNH, Hiệu trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An): Cần tạo nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh
Bạo lực học đường là một trong những vấn nạn nhức nhối hiện nay của nhiều nhà trường. Để giảm thiểu vấn đề này, theo tôi cần phải có sự kết hợp quản lý giáo dục của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như Đoàn thanh niên, Công đoàn cơ sở, Ban Giám hiệu, tổ chủ nhiệm, tổ tư vấn...
Học sinh THPT còn đang ở độ tuổi hiếu động, tâm sinh lý phát triển chưa ổn định, vì vậy các em cần có những sân chơi bổ ích, từ đó thu hút sự mạnh mẽ, nhiệt tình của các em. Chẳng hạn như câu lạc bộ thể dục thể thao, văn nghệ, các nhóm kỹ năng… Các buổi tư vấn về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, giáo dục giới tính sẽ rất cần thiết cho các em học sinh trong độ tuổi này. Giáo viên chủ nhiệm phải là người theo sát học sinh của lớp mình để hiểu được tâm tư tình cảm, nguyện vọng, bức xúc của từng thành viên và qua đó có thể giải quyết kịp thời những vướng mắc mà tự các em không thể giải quyết được. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cần thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với học sinh các khối lớp, nghe ý kiến của lớp trưởng, bí thư lớp phản ánh, đồng thời Ban Giám hiệu giải đáp, trả lời, giải tỏa những vấn đề mà các em gặp phải trong các hoạt động của nhà trường.
Để bảo đảm vấn đề an ninh trật tự, phía nhà trường cũng cần nhờ sự hỗ trợ của công an địa phương giữ gìn an ninh trật tự ngoài cổng trường trước và sau giờ học.
* Ông HỒ VĂN THÔNG, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: Mỗi giáo viên chủ nhiệm nên là một chuyên gia tâm lý
Ở lứa tuổi học sinh, có nhiều nguyên nhân khiến các em có khuynh hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Có thể đó là sự thiếu quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình; sự ảnh hưởng của game online, công nghệ số; sự phát triển tâm sinh lý… hay chính là sự thiếu ý thức của học sinh. Khi xã hội ngày một phát triển, thông tin ngày càng nhiều, sự ảnh hưởng của các em cũng nhiều hơn. Đôi khi, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhưng các em lại giải quyết bằng bạo lực. Do đó, việc tăng cường giám sát, quan tâm đến con em mình của phụ huynh là cần thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, ở trường, giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát với học sinh hơn. Mỗi giáo viên chủ nhiệm nên là một chuyên gia tư vấn đối với học sinh của mình.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, vấn đề giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực cũng đã từng xảy ra. Để hạn chế vấn đề này, trung tâm cũng tăng cường nhiều biện pháp giáo dục tuyên truyền từ công tác giám thị, công tác chủ nhiệm. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, tùy theo mức độ khác nhau mà chúng tôi có những biện pháp xử lý phù hợp. Tôi cũng mong muốn làm sao truyền thông sẽ tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ, rộng rãi hơn để định hướng nhận thức, tác động tích cực đến các em, từ đó hạn chế vấn đề bạo lực học đường cũng như tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
* Ông NGUYỄN VĂN CỨU, Hiệu trưởng trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM): Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Hiện nay, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng ở một số trường học trong cả nước. Bạo lực học đường trở thành mối lo ngại của gia đình, nhà trường và xã hội. Quan điểm của tôi là phải xây dựng một môi trường thân thiện, “Nói không với bạo lực học đường” trong trường học. Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, trường THPT Võ Minh Đức đã và đang áp dụng các giải pháp như sau: Công tác tuyên truyền tác hại của bạo lực học đường cần chú trọng, tuyên truyền tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và bạn bè theo tinh thần “mưa dầm thấm lâu…”; giáo viên chủ nhiệm phải biết tư vấn, biết xử lý tình huống và biết lắng nghe học sinh. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm quản lý, giáo dục việc học ở trường và ở nhà; phối hợp chặt chẽ các đoàn thể trong nhà trường (Đoàn thanh niên, giám thị và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn…); luôn tạo môi trường “Trường học thân thiện; thầy giáo, cô giáo mẫu mực là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; học sinh chăm, ngoan, thanh lịch”; khuôn viên trường luôn xanh - sạch - đẹp; thành lập tổ tư vấn học đường (Ban Giám hiệu và một số giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn…); hàng năm tổ chức đối thoại với học sinh, phải xây dựng hộp thư góp ý.
TÂM TRANG (thực hiện)