Giải quyết triệt để khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
(BDO) Sáng 20-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp (DN) đầu tư Nhật Bản năm 2023. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh; ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh.
Sản xuất tại Công ty TNHH Sharp (Khu công nghiệp VSIP II)
Cộng đồng trách nhiệm
Tại hội nghị, UBND tỉnh thông báo sơ bộ tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2023. Theo đó, Bình Dương tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,2%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,94%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23,2 tỷ đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đạt 16,3 tỷ đô la Mỹ, xuất siêu gần 7 tỷ đô la Mỹ. Thu hút đầu tư nước ngoài tính đến ngày 15- 10-2023 được 1,3 tỷ đô la Mỹ gồm 101 dự án mới, 31 dự án điều chỉnh tăng vốn và 112 dự án góp vốn mua cổ phần.
Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, Nhật Bản có 351 dự án với tổng số vốn đầu tư 5,9 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đầu tư vào tỉnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành lắng nghe ý kiến, đề xuất từ phía DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các vấn đề được đưa ra là khó khăn về giấy phép lao động, thủ tục hải quan về nhập khẩu hàng hóa, đầu tư về phòng cháy chữa cháy, ách tắc giao thông, phí môi trường…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của tỉnh là nhờ sự đóng góp tích cực của người dân và cộng đồng DN. Trong đó, có sự đóng góp của các DN Nhật Bản, cũng như Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản. “Thay mặt lãnh đạo tỉnh tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận những đóng góp tích cực của các DN, hiệp hội, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành giải quyết thấu đáo, cụ thể từng khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho DN”, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Quyết liệt gỡ vướng
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng các khó khăn của các DN Nhật Bản đã được giải quyết rất thiện ý. Chúng tôi cũng hiểu rằng rất nhiều khó khăn không thể giải quyết ngay vì không thuộc thẩm quyền của tỉnh, hoặc về quy định của luật. Tuy vậy, chúng tôi rất hy vọng vào thái độ cầu thị của các ngành, nhất là tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, khó khăn, vướng mắc của DN sẽ sớm cải thiện”.
Trước kiến nghị của Công ty TNHH Sharp về việc trong quá trình tái sử dụng thùng nhập hàng để xuất hàng còn gặp khó, lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương, cho biết đã phối hợp Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh giải quyết và đề nghị các DN nên lưu ý không nên tái sử dụng thùng hàng nhập khẩu để xuất khẩu, chi phí tiết kiệm không lớn nhưng gây những rắc rối khó lường.
Các DN Nhật Bản cũng phản ánh vào 18 - 19 giờ hàng ngày, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến ĐT743) xảy ra tình trạng kẹt xe, gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa. Trước vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ giao lộ với đường ĐT743A đến khu du lịch Thủy Châu có đặt biển cấm xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc buổi sáng từ 6 - 8 giờ, buổi chiều từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút và cấm xe ô tô tải có tổng tải trọng từ 10 tấn trở lên từ 11 giờ - 13 giờ. Khoảng thời gian cao điểm này, Cảnh sát giao thông luôn bố trí tổ tuần tra kiểm soát để xử lý các phương tiện vi phạm, giải tỏa ùn tắc giao thông. Do lượng công việc lớn nên xử lý xe dừng đỗ sai quy định vẫn chưa triệt để. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với lực lượng Cảnh sát trật tự và Công an phường tăng cường xử lý để bảo đảm giao thông thông suốt.
Về vấn đề cấp phép lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đang tiếp tục tăng cường nhân lực, làm thêm giờ, xây dựng mới phần mềm quản lý lao động người nước ngoài gắn với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm bảo đảm xử lý, giải quyết các hồ sơ theo quy định.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, cho biết hiện nay việc kiểm tra PCCC tại các DN được phân cấp và thực hiện theo đúng quy định của hệ thống văn bản pháp luật về an toàn PCCC. Trong quá trình kiểm tra, một lỗi phổ biến nhất của các DN là trong quá trình mở rộng sản xuất không đầu tư PCCC, hoặc đầu tư nhưng không nghiệm thu. Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở, căn cứ vào hiện trạng công trình, đối chiếu với hồ sơ quản lý cũng như các biên bản kiểm tra an toàn PCCC định kỳ. “Chúng tôi hết sức tạo điều kiện để các DN tiến hành đầu tư, các thủ tục nghiệm thu theo quy định cho đến khi xác định công trình đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Cơ quan PCCC và cứu nạn cứu hộ sẽ có văn bản xác nhận đối với các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đây cũng là căn cứ pháp lý đối với hồ sơ quản lý PCCC của cơ sở”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
TIỂU MY