Giải quyết ô nhiễm nguồn nước: Cần quyết liệt hơn
Theo thống kê, tổng lượng nước đang được khai thác trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 623.000m3/ngày, trong đó lượng nước dưới đất (nước ngầm) khai thác chiếm 58% (khoảng 361.000m3/ngày). Trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lâu nay các ngành chức năng mới chú trọng lượng nước khai thác trên mặt nước, còn lượng lớn nước ngầm mà người dân đang dùng trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt bị ô nhiễm vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.
(BDO)
Giếng đào bỏ hoang rất dễ dẫn nguồn nước ô nhiễm vào hệ thống nước ngầm. Trong ảnh: Một giếng đào bỏ hoang trên địa bàn huyện Dầu Tiếng Ảnh: P.HIẾU
Còn nhiều giếng khoan “chui”
Trong chuyến khảo sát thực tế tại một số địa phương ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An và huyện Dầu Tiếng của đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mới đây cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, ý thức bảo vệ nguồn nước ngầm của nhiều người dân ở đây chưa cao; trong khi đó cán bộ chuyên trách về tài nguyên nước tại cơ sở cũng còn chưa quyết liệt trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước ngầm.
Tại một số khu vực đoàn đến khảo sát, giếng đào bị bỏ hoang trở thành nơi đổ rác khá nhiều. Đây là tình trạng rất đáng quan ngại, vì chính những giếng đào bỏ hoang này sẽ dẫn nguồn nước bị ô nhiễm xâm nhập vào mạch nước ngầm. Tại khu vực phường An Phú, TX.Thuận An, đoàn khảo sát nhận thấy có nhiều hộ kinh doanh nhà trọ khoan giếng lấy nước dùng cho sinh hoạt, mặc dù khu vực này nằm trong vùng cấm (hoặc hạn chế) khai thác nước ngầm vì nguồn nước được xác định bị ô nhiễm.
Tình trạng khoan giếng bừa bãi và không đúng kỹ thuật diễn ra khá nhiều ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ gia đình khoan giếng ngay cạnh khu vực nước thải chính của gia đình mình. Ngay cả kỹ thuật đóng giếng khoan cũng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến việc khi vào mùa mưa nước mưa mang theo nhiều chất thải độc hại thâm nhập vào nước ngầm chính từ nơi lắp đặt giếng khoan.
Theo số liệu năm 2009, toàn tỉnh đã có trên 6.000 giếng hư hỏng không còn sử dụng; số lượng giếng bỏ hoang còn tăng lên khi thời điểm này đã là năm 2015. Điều đáng ngại hơn, số giếng khoan hư hỏng được trám lấp đúng kỹ thuật còn rất thấp so với số giếng hư hỏng đã điều tra. Chính những giếng hoang này sẽ trở thành “đường dẫn” nguồn nước ô nhiễm đi ngược vào hệ thống mạch nước ngầm làm ảnh hưởng chất lượng tài nguyên nước về lâu dài.
Theo các chuyên gia, các khu dân cư gần khu công nghiệp có nguy cơ nguồn nước ngầm nhiễm kim loại nặng như sắt, thủy ngân, đồng, ma-giê, chì... là rất cao. Nguồn nước ngầm sẽ bị nhiễm vi sinh vật khi đi cùng hệ thống nước thải ra là phân rác, xác động vật và nước thải từ các bệnh viện. Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm còn đến từ phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Từ năm 2004 đến nay, tỉnh chỉ cấp 1.200 giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm (trong đó cấp phần đông cho các doanh nghiệp dùng nước để sản xuất) và cơ quan chức năng mới xử lý hành chính được 595 đơn vị vi phạm về bảo vệ tài nguyên nước ngầm. Riêng từ năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng chỉ xử lý trám lấp được 100 giếng khoan trong khu vực hạn chế khai thác nước ngầm. Con số này cho thấy, việc quản lý và xử phạt các hành vi vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước ngầm còn chưa quyết liệt.
Theo một số thành viên trong đoàn khảo sát, việc đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng nước ngầm là rất cần thiết để lãnh đạo tỉnh có chiến lược quy hoạch khoanh vùng cụ thể nhằm bảo đảm nguồn nước chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuống tận khu dân cư; biện pháp tuyên truyền phải trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ áp dụng để người dân hiểu rõ, nâng cao ý thức hơn về việc sử dụng nước ngầm một cách hiệu quả và lâu dài.
Được biết, hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đang triển khai đấu thầu đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện đề án “Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Thiết nghĩ, đây là đề án hết sức cần thiết, diễn ra trong tình hình ô nhiễm nguồn nước đang là thách thức của cả nước nói chung và một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao như Bình Dương nói riêng. Điều quan trọng nữa là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, góp phần quan trọng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước như thế nào để bảo đảm trữ lượng và chất lượng lâu dài cho cả thế hệ con cháu sau này.
PHÙNG HIẾU