Giải phóng hàng tồn kho: Bài toán còn chờ đáp số!

Thứ bảy, ngày 03/11/2012

Từ sản xuất, chế biến…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm hiện vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, tính đến thời điểm 1-9, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành tồn kho cao, tập trung ở nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất xi măng, sắt, thép, gang (tăng trên 40%); sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản, may trang phục, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm khác từ plastic, pin ắc-quy, dây điện và cáp điện, mô tô xe máy, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%. Một số ngành như dệt may, giày dép hoạt động cầm chừng do thiếu những đơn hàng lớn, ngành giấy, ngành nhựa có mức tiêu thụ sản phẩm giảm. Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc những lĩnh vực có hàng tồn kho nói trên đang hoạt động ở địa bàn tỉnh Bình Dương. Do đó, Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng lớn từ những khó khăn chung của cả đất nước.

Đến bất động sản

Theo thống kê của ngành chức năng, đến cuối tháng 8-2012, dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) khoảng 203 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ xấu lên đến 66%, nếu tính dư nợ liên quan đến BĐS như cho vay kinh doanh BĐS, vay đầu tư, kinh doanh, thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, chiếm hơn 1 triệu tỷ đồng. Vì vậy, nếu sản xuất - kinh doanh khó khăn, nợ xấu của DN tăng cao cùng với khó khăn của thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, xã hội khác, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, đến đời sống nhân dân…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, thị trường BĐS phát triển theo kiểu tự phát, “phong trào”, thiếu quy hoạch, kế hoạch dẫn đến cung vượt quá lớn so với cầu. Hiện cả nước có 2.399 dự án, theo thống kê của 44 tỉnh, thành với gần 71.000 ha đất dành cho BĐS. Trong đó, hàng tồn kho BĐS cả nước hiện nay có khoảng 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, 25.870m2 nhà văn phòng cho thuê.

Vấn đề ở dòng tiền và phân loại

“ Doanh nghiệp nhỏ thiệt đủ đường

 Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc DNTN May Quốc tế, ngoài những khó khăn do thị trường, không có điều kiện tiếp cận vốn… thì đa số các DN trong nước chủ yếu là nhỏ và vừa nên càng khó hơn trong bối cảnh hiện nay. Họ chỉ vay vốn ở ngân hàng trong nước, trong khi các DN đầu tư nước ngoài có thể vay vốn ở nước ngoài với lãi suất thấp hơn, khả năng cạnh tranh vì thế rất cao. DN có đơn hàng đã khó rồi nhưng việc tiếp cận ngân hàng để vay vốn với lãi suất thấp lại càng khó hơn nên DN rất dễ mất đơn hàng. Do vậy, lãi suất ngân hàng trong nước thời gian gần đây tuy có hạ nhưng DN vẫn khó lòng cạnh tranh.”

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương từng nhận xét, tình hình sản xuất - kinh doanh và tài chính của nhiều DN thời gian qua sụt giảm và suy yếu nay đang phục hồi nhưng chậm. Lượng hàng hóa tồn kho còn tồn đọng nhiều tác động không tốt đến sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa. Từ đó, dẫn đến một bộ phận DN không đủ điều kiện vay vốn nhưng đang gặp khó khăn, hàng tồn kho cao nên chưa có nhu cầu vay vốn… Những DN gặp khó khăn không đáp ứng được những điều kiện về cho vay chủ yếu do: phương án không khả thi, không có hợp đồng đầu ra; tài sản bảo đảm đã thế chấp cho các khoản vay trước hiện không còn; tình hình tài chính khó khăn, không minh bạch.

 Để giải quyết hàng tồn kho, theo Bộ Công Thương cần tiếp tục thực hiện và có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường thúc đẩy sản xuất phát triển. Khó khăn lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là nhu cầu vốn tăng cao do mặt bằng giá các yếu tố sản xuất tăng, nhưng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả đầu tư kinh doanh. Nguyên nhân trực tiếp là nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bị thu hẹp gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Còn theo các DN, cái khó nhất của họ hiện nay là vay vốn và lãi suất cao, mà mấu chốt lại nằm ở hàng tồn kho. Vì thế, cần phân loại rạch ròi tồn kho để tìm giải pháp cụ thể đẩy mạnh tiêu thụ. Bên cạnh đó, thị trường nội địa hiện đang tràn ngập hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ mà không được kiểm soát chặt chẽ cũng là một tác nhân ngăn chặn hàng tồn kho của DN thoát ra ngoài như: sắt thép, vải vóc, quần áo…

 Bất động sản “trơ gan cùng tuế nguyệt”

 Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các DN, nhà đầu tư tung ra để xây dựng các khu dân cư, đô thị, căn hộ chung cư… nhưng lại không bán được, nằm phơi nắng phơi sương gây lãng phí lớn, thấy mà xót. Đó là nhận định chung của rất nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội lẫn DN và người dân. Không riêng gì Bình Dương mà từ các thành phố lớn đến đô thị nhỏ trên toàn quốc đều có chung một thực trạng. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cần phải phá “băng” BĐS để phá thế bế tắc, giải phóng hàng tồn kho ở lĩnh vực này. Cụ thể như: tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án, dừng những dự án thiếu khả thi, chưa giải phóng mặt bằng; yêu cầu cơ cấu lại dự án, tăng các loại nhà ở cho người thu nhập thấp, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; mở rộng tín dụng cho vay đối với nhà đầu tư, đặc biệt người mua nhà ở xã hội…

 

KỲ TÂN