Giải phóng Dầu Tiếng qua lời kể từ nhân chứng: Những khoảnh khắc quyết liệt

Thứ năm, ngày 13/03/2014

Bài 1: Chiến thắng đã được chuẩn bị trước

Bài cuối: Những khoảnh khắc quyết liệt

Mặc dù chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng với trận đánh quyết định kéo dài trong gần 3 ngày (từ đêm 11, rạng sáng ngày 12 đến ngày 13- 3-1975) đã được quân và dân ta chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để chắc chắn giành chiến thắng nhưng trận chiến nào mà chẳng quyết liệt, cam go. Hơn bao giờ hết, vào những ngày tháng lịch sử này, trong hồi tưởng của những người tham gia trận đánh giải phóng Dầu Tiếng năm xưa, sự căng thẳng, khốc liệt lại hiện về…  

Ông Trần Văn Du (bên trái) vừa trò chuyện vừa chỉ về khu vực tháp nước, ngã 3 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dầu Tiếng, nơi mà theo ông trước đây có cái lô cốt phòng thủ của địch

Địch chống trả điên cuồng

Nhân chứng lịch sử tham gia trận đánh giải phóng Dầu Tiếng tiếp theo mà chúng tôi tìm gặp là ông Trần Văn Du, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ông Du cho biết, khi tham gia chiến dịch, ông mới 20 tuổi. Lúc đó, chàng thanh niên Trần Văn Du hoạt động bí mật trong vùng tạm chiếm ở khu vực trong thị trấn. Khi trận chiến nổ ra, ông đã chứng kiến tận mắt quân ta và địch giao tranh. Ông Du nói: “Trận chiến quá khốc liệt!”. Ông bảo Bác Hồ đã từng nhận định: “Dù địch có thua đến 99% thì nó cũng ráng sức cắn lại”.

Trong trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, giao tranh giữa ta và địch cũng diễn ra căng thẳng tại nhiều địa điểm như khu vực Cầu Tàu, Bến Củi, suối Ông Hùng, bởi đây là hướng địch muốn mở đường máu thoát sang Tây Ninh. Chính vì thế, chúng tập trung lực lượng để chống cự. Có những thời điểm, quân ta mở nhiều đợt tiến công nhưng cũng không có kết quả.

Ở khu vực suối Dứa, Đại đội 64 phải phối hợp với biệt động, du kích và công nhân thực hiện vây, lấn, triệt, diệt thì đơn vị lính bảo an của địch tại đây mới bỏ đồn vượt suối, rút về chi khu. Tại khu vực trung tâm thị trấn, trưa ngày 11-3, một số chốt vòng ngoài của địch cũng chạy vào chi khu để cố thủ. Lực lượng xe tăng của địch ở đồn Tam Giác dùng pháo áp đảo; không quân và pháo tầm xa của chúng tăng cường chi viện. Tiểu đoàn 5 của ta tại đây gặp khá nhiều khó khăn nhưng với tinh thần quyết chiến đã đánh chiếm được sân bay, thu 4 xe M113 và M41, 3 khẩu pháo và đồn Tam Giác. Ngày 13-3, quân ta đưa pháo 85 áp sát đồn chi khu, chi viện Tiểu đoàn 5, phá cửa, tiến vào chi khu, đánh chiếm khu thông tin và đập tan các ụ chống cự. Địch rối loạn, chui xuống hầm ngầm thì bị ta dùng chất liệu nổ tiêu diệt, gọi hàng. Khi chi khu bị mất, địch ở khu vực Cầu Tàu, vườn chuối bỏ chạy. Quân địch thấy tình thế không thể cứu vãn đã huy động các loại pháo cùng máy bay oanh tạc, quyết hủy diệt chi khu nhưng cuối cũng vẫn thất bại…

Bi tráng chi khu, Cầu Tàu

Đang say sưa kể lại cho chúng tôi về khí thế sôi sục của trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, ông Trần Văn Du như nhớ ra điều gì vội bảo: “Lên xe, tôi đưa các bạn đi một vòng”. Nói đoạn, ông lấy xe, cầm lái, chở chúng tôi đi thăm lại những địa điểm giao tranh ác liệt giữa ta và địch năm xưa. Xe của ông đưa chúng tôi đi một vòng chi khu rộng chừng 1km2, cách Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, nơi ông công tác, chỉ vài phút đồng hồ. Chi khu nhỏ thôi nhưng tại đây ngày ấy, theo như lời kể của ông Du trên đường đi, có nhiều điểm giao tranh quyết liệt. Ông Du lái xe đưa chúng tôi đến đoạn khu vực tháp nước, ngã 3 đường Trần Hưng Đạo, nơi mà theo ông trước đây có cái lô cốt phòng thủ của địch. Ngày nay chiếc lô cốt đó đã bị phá hủy nhưng trong trí nhớ của ông, vị trí tọa lạc của nó vẫn còn. 

Cầu Tàu - nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa ta và địch 39 năm về trước

Một thoáng tần ngần, ông Du bảo: “Nơi đây có một khoảnh khắc không thể nào quên…”. Khi quân ta tổ chức tấn công vào chi khu, dùng xe tăng bắn phá chiếc lô cốt này, nóc lô cốt đã bị phá tung nhưng quân địch không chịu rút lui mà vẫn cố bám trụ. Khi xe tăng của ta phá lô cốt, quân ta thừa thắng xông lên, khi đi qua khu vực này, bỗng nhiên địch vùng lên đánh rát bên hông. Do bị bất ngờ, 12 chiến sĩ của ta đã hy sinh tại chỗ. “Cảnh tượng giao tranh này vẫn luôn ám ảnh tôi, nhưng chiến thắng nào mà chả có mất mát, đau thương!”, ông Du trầm giọng. Nhưng địch cũng chỉ có thể “cắn càn” được vậy thôi vì sau đó, quân ta với khí thế ngút trời đã xoay chuyển tình thế, tấn công, giải phóng hoàn toàn chi khu.

Rời chi khu, ông Du lại đưa chúng tôi đến khu vực Cầu Tàu, cách đó cũng không xa, chỉ vài trăm mét. Địa danh Cầu Tàu trong thời Pháp thuộc vốn là một nơi in dấu sự căm hờn của người dân Dầu Tiếng với chế độ thực dân. Nơi đây, giặc Pháp khi ấy đã dìm xuống sông dưới chân cầu, chôn sống rất nhiều đồng bào yêu nước. Cầu Tàu hôm nay vẫn còn đó một văn bia tưởng niệm những người đã khuất và khắc ghi tội ác của bè lũ thực dân. Trong trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, Cầu Tàu lại thêm một lần chứng kiến cảnh giao tranh quyết liệt, đầy bi tráng. Đứng bên Cầu Tàu, chúng tôi dành một phút để mặc niệm hương hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã nằm xuống nơi đây. Cầu Tàu như mọi ngày vẫn thế, nối 2 bờ sông để người người qua lại; vẫn mang vẻ mộc mạc của một vùng quê yên bình nhưng khi đứng ở đây, trong thời khắc này chúng tôi nhận thấy, Cầu Tàu như chứng tích thiêng liêng còn lại từ cuộc chiến .

Dầu Tiếng hôm nay đã đổi thay theo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà. Các tuyến đường giao thông đô thị, nông thôn được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại. Trường học, bệnh viện, công viên cũng được xây dựng mới mẻ, khang trang. Ngay tại chi khu, nơi chiến trường xưa ác liệt, nay đã mọc lên các công trình công cộng uy nghi, bề thế. Nhiều ngôi nhà mới của người dân cũng đã được xây dựng tại đây, góp phần hình thành bộ mặt đô thị cho khu vực thị trấn…

Chiến tranh đã qua đi 39 năm. Trong khoảng thời gian ấy, chứng kiến sự đổi thay từng ngày, những người đã từng tham gia trận đánh giải phóng Dầu Tiếng ngày nào như ông Tươi, ông Du và nhiều người khác nữa, chắc hẳn sẽ cảm thấy rất tự hào vì đã góp phần vào chiến thắng năm xưa và đóng góp cho công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển của Dầu Tiếng. Trân trọng sự hy sinh, mất mát cũng như công lao của những người đi trước, thế hệ hôm nay chắc chắn phải có trách nhiệm làm cho Dầu Tiếng ngày càng phát triển hơn…

Trong trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.329 tên địch; tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn, 1 chiến đoàn thiết giáp và 4 trung đoàn pháo; đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn địa phương quân 312; san bằng 1 chi khu, 1 yếu khu quân sự và trên 60 đồn, bót từ cấp trung đoàn đến cấp tiểu đoàn; bắn rơi 7 máy bay, phá hủy hơn 20 xe tăng, thiết giáp, 2 khẩu pháo và 1 khu thông tin; thu trên 1.000 súng các loại; 4 xe M113 và tăng M41; 25 máy vô tuyến điện…

NHÓM PV CHÍNH TRỊ