Giải phóng Dầu Tiếng qua lời kể từ nhân chứng : Chiến thắng đã được chuẩn bị trước

Thứ tư, ngày 12/03/2014

Họ là những người trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân Dầu Tiếng ngày 13-3-1975. Chiến tranh cũng như trận đánh ngày ấy đã cách đây 39 năm nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày này, với họ, những ký ức về trận đánh, chiến thắng lịch sử lại ùa về như mới xảy ra ngày hôm qua. Chúng tôi đã tìm gặp lại những nhân chứng lịch sử, ghi chép lại những dòng hồi ức về trận đánh giải phóng Dầu Tiếng năm nào để cùng thế hệ ngày hôm nay ôn lại những năm tháng lịch sử hào hùng của quân và dân Dầu Tiếng…

  Tượng đài Chiến thắng Dầu Tiếng, đặt tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng ghi nhận chiến công oanh liệt của quân và dân Dầu Tiếng cách đây 39 năm Ảnh: H.ANH

 Ông Trương Văn Tươi (Tư Cao), một trong số không nhiều những người còn lại, đã từng tham gia trận đánh lịch sử, giải phóng Dầu Tiếng ngày 13-3- 1975 ở huyện Dầu Tiếng. Sau giải phóng, ông Tươi là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, rồi chuyển sang làm Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam, nay đã về hưu. Vào thời điểm diễn ra trận đánh giải phóng Dầu Tiếng ngày 13-3- 1975, ông Tươi giữ chức Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày chiến thắng

Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng khi biết chúng tôi tìm đến nhờ kể chuyện về trận đánh quyết định giải phóng Dầu Tiếng, ông phấn chấn hẳn lên, sẵn sàng tiếp chuyện. Sau một thoáng bồi hồi, xúc động, trận đánh giành chiến thắng Dầu Tiếng năm nào bắt đầu ùa về qua lời kể chậm rãi, dưới đôi môi có phần run run của ông. Ông bảo, đây là một trong những chiến thắng sớm nhất tại miền Đông Nam bộ, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Lịch sử mãi khắc ghi sức mạnh bất diệt của dân tộc

Với ông Trương Văn Tươi, cho dù sau này có kinh qua nhiều vị trí công tác, từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Cát hay trở thành một doanh nhân tài ba khi làm Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam, một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương cũng như đất nước, khoảng thời gian hoạt động cách mạng, chuẩn bị và tham gia chỉ huy trận đánh lịch sử giải phóng Dầu Tiếng vẫn là một đoạn hồi ức khó quên nhất, vừa hào hùng, vừa bi tráng. Chia tay, tiễn chúng tôi ra về, ánh mắt già nua của ông Tươi vẫn còn đọng lại những nét hào sảng nhưng đầy xúc động. Trong ánh mắt tiễn đưa ấy, chúng tôi cảm nhận được một điều, dường như ông đang dặn dò: Phải biết trân trọng lịch sử vì lịch sử mãi khắc ghi tinh thần, sức mạnh bất diệt của dân tộc. Tinh thần ấy, sức mạnh ấy có thể ùa về bất kể lúc nào…

Đầu năm 1975, sau chiến thắng đường 14 (Phước Long), cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt lớn. Vùng giải phóng được mở rộng. Huyện ủy Dầu Tiếng khi đó nhận được chỉ thị chuẩn bị phối hợp cùng với các đơn vị chủ lực giải phóng địa bàn khi thời cơ đến. “Chúng tôi chỉ đạo các tổ chức Đảng cơ sở lãnh đạo quần chúng chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng phối hợp để giải phóng…”, ông Tươi nhớ lại. Đến đầu tháng 3, công tác chuẩn bị giải phóng Dầu Tiếng đã được hoàn tất. Ngày 10-3, tại các vùng cao su giải phóng, các đơn vị, cơ quan cấp trên và Huyện ủy Dầu Tiếng họp hội nghị kiểm tra lần cuối rà soát, kiểm tra và thành lập Ban chỉ huy chiến dịch. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một khi ấy cũng cử cán bộ về phối hợp tác chiến. Ban chỉ huy khi ấy gồm các đồng chí ở Sư đoàn 9, Đoàn 235, các đồng chí Sáu Trọng, Mười Thanh (của Thủ Dầu Một), Hai Đức, Mười Thường cùng ông Tươi (khi ấy gọi là Tư Cao). Hội nghị còn thành lập các bộ phận chuyên trách như: Ban an ninh, Ban địch vận, bộ phận tuyên truyền… Các bộ phận chuyên trách chia thành các tổ bám ở các hướng đón dân tại các điểm như Bàu Đồn, Trại Nọc, suối Dứa, Bàu Đá…

Một đoạn hồi ức khó quên

Theo tài liệu lịch sử, tương quan lực lượng chiến dịch khi ấy phía bên kia, lực lượng của địch tại Dầu Tiếng trước ngày nổ súng gồm 5 đại đội bảo an, 2 tiểu đoàn chủ lực, một chốt chiến đoàn, một chi khu quân sự, một khu tam giác pháo binh, 6 ban tề ấp cùng với hệ thống dân ý vụ, Chi công an, Chi thông tin, Chi chiêu hồi, mạng lưới tình báo và phòng vệ dân sự. Khi ấy, có vẻ như địch đã “ngửi” thấy ta đang chuẩn bị tiến công nên chúng đề phòng rất nghiêm ngặt nhưng tinh thần thì nơm nớp lo sợ. Lực lượng của ta, ngoài Sư đoàn 9 (Binh đoàn Cửu Long, nay là Quân đoàn 4) là chủ công, còn được tăng cường thêm Trung đoàn 16, 2 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp. Ngoài ra, tham gia trận chiến còn có Trung đoàn 3, Sư đoàn 341 làm nhiệm vụ giữ đường 13, khu vực Bàu Bàng.

  Ông Trương Văn Tươi: Phải biết trân trọng lịch sử vì lịch sử mãi khắc ghi tinh thần, sức mạnh bất diệt của dân tộc

Đang đưa chúng tôi về với quá khứ bằng những lời kể chậm rãi, bỗng nhiên ông Trương Văn Tươi ngưng lại, đưa tay dụi dụi nhẹ vào đôi mắt. Có lẽ hồi ức về trận đánh, những kỷ niệm không thể nào quên với đồng đội ngày ấy đã khiến ông bồi hồi, khóe mắt già nua ứa lệ. Chúng tôi ngồi bên ông, im lặng, không hỏi thêm, cảm xúc và thời gian khi ấy dường như đang ngưng đọng. Nhưng rồi với ánh mắt đột nhiên bừng lên, đầy dũng khí, ông kể tiếp: “Đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11-3-1975, chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng chính thức bắt đầu…”. Cùng thời gian này, quân giải phóng ở Tây nguyên cũng bắt đầu tấn công, đánh chiếm TX.Buôn Mê Thuột.

Còn tại Dầu Tiếng, ngay trong đêm đó, các đơn vị chủ lực của ta đã hành quân, chiếm lĩnh trận địa. Trung đoàn 2, Trung đoàn 3 đánh địch trong thị trấn, chi khu; Trung đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ chia cắt địch ở phía Tây; Trung đoàn 16 tiến công tiêu diệt địch ở suối Ông Hùng; các lực lượng địa phương thì chủ yếu vây lấn đồn suối Dứa; Tiểu đoàn 5 bí mật luồn qua các chốt địch vòng ngoài, ém trong rừng cao su, khu nhà thương và ấp 2 rồi chia thành 2 mũi bao vây chi khu, đánh đồn tam giác pháo binh; Tiểu đoàn 4 đánh chiếm các chốt trung đội, chiếm khu vực làng 5…

Giọng ông Tươi hùng hồn: “…Trong phút chốc, toàn bộ vườn cây cao su của Dầu Tiếng trở thành bãi chiến trường ác liệt. Công nhân cao su Dầu Tiếng, dưới làn mưa bom, bão đạn của địch vẫn dũng cảm xông lên làm trinh sát, dẫn đường cho các đơn vị vũ trang đánh chiếm các mục tiêu trong thị trấn, tham gia tải thương, tiếp đạn, tiếp lương thực cho các đơn vị. Ban tiếp đón Huyện ủy huy động lực lượng và phương tiện đưa phần lớn dân từ vùng địch tạm chiếm ra ngoài theo các điểm đã chuẩn bị trước…”. Thế rồi, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 13-3-1975, sau gần 3 ngày chiến đấu quyết liệt, chiến dịch tiến công giải phóng Dầu Tiếng đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Sau Phước Long, Dầu Tiếng trở thành một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất tại khu vực miền Đông. Ngày 13-3 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của nhân dân huyện Dầu Tiếng…

Bài cuối: Những khoảnh khắc quyết liệt

NHÓM P.V CHÍNH TRỊ