Giải pháp xây dựng thành công nông thôn mới: Đổi mới tư duy nông dân

Thứ bảy, ngày 08/10/2016

(BDO) Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 26-CTr/TU về “Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015”.


Một mô hình vườn cây ăn trái tại phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một.

Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình của Tỉnh ủy, tình hình nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao (NNƯDKTC) trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, rau thủy canh, rau mầm, cây cảnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương... góp phần giảm chi phí công lao động, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đầu tư sử dụng hệ thống chuồng trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Đến nay, Bình Dương đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) với tổng diện tích 979,71 ha ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên. Bình Dương cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện một số dự án, mô hình ứng dụng quy trình sản xuất NNKTC, tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80 - 100%. Bên cạnh đó, 100% diện tích canh tác lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; trên 90% đàn heo, gia cầm được nuôi tập trung gắn với vùng an toàn dịch bệnh (tăng 10% so với năm 2 010).

Trong thực hiện chương trình phát triển NNĐT, nông nghiệp sinh thái, tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án phát triển như Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đề án phát triển NNĐT vùng phía nam của Bình Dương...

Xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn nhiều

Tuy đã đạt được những thành tựu lớn trong xây dựng nông thôn mới, song nông nghiệp nông thôn và nông dân tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, hiện nông dân, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trong tỉnh chưa có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh còn hạn chế, các sản phẩm khác tên tuổi còn mờ nhạt, mô hình liên kết trong sản xuất vẫn chưa bền chặt; trong khi đó chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong tỉnh cũng chưa thật sự được quan tâm tốt, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng nhỏ lẻ, manh mún; việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một khó khăn nữa là, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm từ nông nghiệp mới đang được tiến hành với sản phẩm NNĐT, NNCNC chưa thật sự được tập trung đánh giá để nhân rộng mô hình.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy (huyện Bàu Bàng) cho biết: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là chưa được bảo vệ thương hiệu. Công ty chưa xuất khẩu nhưng sản phẩm bưởi của chúng tôi đã xuất hiện tràn lan ở châu Âu. Tôi rất mong được cơ quan chức năng hỗ trợ bảo vệ thương hiệu”. Đồng tình với ý kiến này, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cho biết, xây dựng thương hiệu thật khó nhưng với vị thế của doanh nghiệp mình, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn nhiều.

Giải pháp đổi mới tư duy nông dân

Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Bình Dương phải có cách làm riêng của mình trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Và chính nhờ những cách làm mới thông minh, sáng tạo này, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Bình Dương đã đạt được những thành tích hết sức ấn tượng. Tính đến ngày 15-6-2016, toàn tỉnh đã có 32 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; có 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 8 xã đạt 12 - 14 tiêu chí NTM. Giai đoạn 2016- 2020, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2020, 100% số xã thực hiện xây dựng NTM đạt chuẩn NTM.

Nhằm góp phần thực hiện chương trình này của Tỉnh ủy, của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Báo Bình Dương và Viện Khoa học và Quản trị doanh nghiệp đã ký kết chương trình phối hợp đào tạo nông dân thành doanh nhân nhằm đổi mới tư duy nông dân và đồng hành hỗ trợ nông dân tốt hơn. Tiến sĩ Mộc Quế, Phân viện Công nghệ sinh học và Nano (Viện Khoa học và Quản trị doanh nghiệp) cho biết, người nông dân Bình Dương rất thông minh và tự lập, không chờ bao cấp. Nhưng do nông dân quen kiểu làm xưa cũ là cứ làm một cách an toàn trên tài sản cha truyền con nối. Chương trình này nhằm mục đích thay đổi tư duy nông dân thành doanh nhân. Nghĩa là nông dân phải có ý tưởng kinh doanh, tìm thị trường trước rồi mới đầu tư. Phải dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, trên cơ sở khoa học, áp dụng công nghệ sinh học và có một đầu ra ổn định.

Ông Lâm Văn Hòa cho biết thêm: “Chúng tôi đang thực hiện các chương trình mang nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân như hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, hiểu biết về pháp luật… Riêng với chương trình phối hợp đào tạo nông dân thành doanh nhân nói trên, chúng tôi kỳ vọng sẽ thay đổi tư duy nông dân. Từ đó để doanh nghiệp mạnh dạn, tự tin làm ăn, làm giàu”.

Đến nay, chương trình này đã tổ chức được 6 lớp đào tạo tại tỉnh 3 và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và TX.Tân Uyên. Tham gia chương trình này, ông Nguyễn Quang Minh, nông dân - doanh nhân giỏi cấp Trung ương ở huyện Dầu Tiếng cho biết: “Đã có một số thành quả trong kinh doanh. Tôi thấy lớp học rất hay”. Mục tiêu của chương trình này khá lớn. Đó là thực hiện chuỗi truyền thông đa phương tiện để làm sáng rõ ra các giải pháp, nhân rộng mô hình góp phần xây dựng NTM thành công. Qua các lớp học, các bài báo, giao lưu trực tuyến, cả 4 nhà: Nhà nước, Hội Nông dân, chuyên gia và nông dân, trong đó có một số nông dân đã trở thành doanh nhân, sẽ tiếp tục hiến kế, đưa ra các giải pháp để chương trình có hiệu ứng mạnh mẽ, sức lan tỏa sâu rộng. Từ đó, tạo điều kiện ngày càng sản sinh ra nhiều doanh nhân, chủ trang trại thành đạt, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa đạt 85,5%, nhựa hóa và bê tông hóa 1.892km đường trục xã liên xã. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã thực hiện 2.102 công trình giao thông nông thôn - chỉnh tranh đô thị với tổng chiều dài gần 1.250km, kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ dân nông thôn trong tỉnh sử dụng điện lưới quốc gia đến nay đạt 99,91%; số xã đạt chuẩn y tế là 97,8%; 100 xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ; tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; 100% số ấp ở các xã đều sử dụng mạng lưới điện thoại cố định, điện thoại di động. Tổng số chợ trên địa bàn nông thôn trong tỉnh là 34 chợ, trong đó có 14 chợ xây dựng theo phương thức xã hội hóa.

 

 BẢO ANH