Giải pháp thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

Thứ bảy, ngày 02/03/2019

(BDO) Thời gian qua, Bình Dương đã chủ động xây dựng các dự án, công trình mang tính dài hạn, đầu tư hạ tầng bài bản, kết nối các địa phương trong tỉnh và khu vực… Điều này giúp Bình Dương trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Để tăng tốc trong giai đoạn mới, theo các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Dương cần thu hút thêm các ngành phụ trợ, phát triển mạnh dịch vụ nhằm nâng tầm vị thế của mình.

 Công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương đang phát triển mạnh. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử chính xác tại Công ty CNC (Khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY  

 Tầm nhìn dài hạn

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 32,5 tỷ USD vốn FDI, đưa Bình Dương trở thành địa phương đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI của cả nước. Năm 2018, doanh nghiệp FDI đóng góp 49,6% tổng vốn đầu tư kinh tế - xã hội của tỉnh, 20% thu ngân sách của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.700 ha, tỷ lệ cho thuê đạt gần 74% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 800 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 67%. Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương sẽ có 33 khu công nghiệp với diện tích 14.790 ha.

Hiện nay, phần lớn dự án đầu tư vào tỉnh được bố trí vào các khu, cụm công nghiệp, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh đang ưu tiên thu hút lĩnh vực công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, bảo đảm môi trường. Các ngành, lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư là công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại, dịch vụ.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh - sạch - đẹp; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng đến một thành phố thông minh, Bình Dương đã từng bước quy hoạch, xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Thời gian qua, hệ thống giao thông đã được tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành lân cận, giúp các doanh nghiệp dễ dàng lưu thông hàng hóa. Ngoài việc đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến đường chính như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn… mới đây Bình Dương đã xúc tiến kế hoạch xây dựng tuyến metro nối với TP.Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng đang nghiên cứu phương án vận chuyển hàng hóa đường sắt, hình thành hệ thống logistics thông minh, mở rộng cảng sông, cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Chú trọng công nghiệp phụ trợ, dịch vụ

Tại Hội nghị Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới tổ chức tại Bình Dương mới đây, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đang có cơ hội thu hút vốn FDI lớn, đang vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực. Thế nhưng, giá trị gia tăng của Việt Nam lại chỉ ở mức trung bình, không có sự đột phá tăng mạnh. Bởi, vốn FDI mới chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, còn các lĩnh vực gia tăng khác còn hạn chế. Chính vì vậy, để thu hút vốn FDI chất lượng hơn, Việt Nam cần có những giải pháp hợp lý, tận dụng tốt các xu thế hiện tại mang tính toàn cầu, như hiệp định tự do thế hệ mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư khi nhà đầu tư chuyển dịch vùng sản xuất để hạn chế rủi ro…

Ông Haruo Toda, Giám đốc Công ty Finecs Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapoe I), cho biết ông cảm thấy rất hài lòng về môi trường đầu tư tại Bình Dương. Năm nay, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất tại đây. Ông cũng kiến nghị Bình Dương cần tiếp tục phát triển thêm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài tại Bình Dương, nhất là tại các khu công nghiệp xa trung tâm tỉnh. Theo ông, hiện nay các chủ đầu tư làm việc tại Bình Dương nhưng đa phần đều về TP.Hồ Chí Minh để nghỉ ngơi sau khi kết thúc ngày làm việc, bởi thành phố có đầy đủ các dịch vụ mà nhà đầu tư cần.

Để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, Bình Dương đã và đang khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm hỗ trợ. Tỉnh còn phát triển riêng một khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng rộng trên 1.000 ha ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án FDI.

Về dịch vụ, thời gian qua, Bình Dương cũng chú trọng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế, bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế... từng bước đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư và người dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết gắn với chương trình đột phá của tỉnh, trong thời gian tới Becamex IDC tiếp tục mở rộng, hiện đại hóa chuẩn quốc tế các khu đô thị, dịch vụ, y tế, bệnh viện, trường học… do công ty đầu tư. Đặc biệt là Thành phố mới Bình Dương, với vai trò vừa là khu vực thực tế để thí điểm các ý tưởng khoa học-công nghệ mới vừa là hạt nhân của thành phố thông minh, công ty sẽ góp sức cùng tỉnh tạo ra các giá trị mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của tỉnh nhà.

 TIỂU MY

Từ khóa: