Giải pháp ổn định đầu ra cho nông sản an toàn
(BDO) Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nhiều cơ sở, cá nhân trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích khoảng 2.754,7 ha. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Ghi nhận tại Hội chợ nông sản an toàn năm 2018 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua cho thấy, số lượng rau, quả bán tại hội chợ còn khiêm tốn so với sản lượng làm ra của các nhà vườn trong tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc Hợp tác xã ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo), cho biết trong 2 ngày cuối tuần tham gia hội chợ hợp tác xã bán được 200kg ổi sạch.
Theo ông Kiên, hợp tác xã tham gia hội chợ lần này chủ yếu là quảng bá sản phẩm. Nếu hội chợ diễn ra thường xuyên, hợp tác xã cũng khó có người đứng ra để bán, vì lãi từ việc sản xuất rau quả an toàn không nhiều để nới rộng chi phí.
Khách hàng mua sắm tại Hội chợ nông sản an toàn năm 2018. Ảnh: TIỂU MY
Vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản an toàn vẫn đang là bài toán khó, không chỉ với Bình Dương mà nhiều địa phương khác. Đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chia sẻ hiện nay họ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ trong quá trình đưa sản phẩm trái cây, rau an toàn vào chuỗi tiêu thụ, nhất là tiếp cận với các siêu thị lớn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sở đang làm việc với TP.Thủ Dầu Một về việc tìm kiếm địa điểm thuận lợi tổ chức hội chợ thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, họ đang mong muốn được tỉnh hỗ trợ nhiều hơn trong việc kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Đối với các cơ sở sản xuất, mua bán thì bày tỏ làm sao bảo đảm giá rau an toàn không quá cao hơn so với rau quả bán tại các chợ.
Xung quanh những vướng mắc của các cơ sở sản xuất khi muốn đưa nông sản an toàn vào các siêu thị lớn trên địa bàn, đại diện Sở Công thương cho biết, thời gian qua sở đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hội nghị nhằm kết nối cung cầu để sản phẩm nông sản an toàn sản xuất tại địa phương với các siêu thị. Nếu doanh nghiệp nào có nhu cầu làm việc với các siêu thị trên địa bàn về ký kết hợp đồng để đưa nông sản an toàn vào siêu thị, Sở Công thương sẵn sàng hỗ trợ kết nối. Tuy nhiên, nông sản các cơ sở, gia đình làm ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng đầu vào theo yêu cầu của siêu thị.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết trong năm 2019, hội sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân tỉnh về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018-2020. Cùng với đó, hội sẽ phối hợp các ngành chức năng tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; mở các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên về chuyên đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm”. Hội cũng duy trì và tiếp tục ra mắt các câu lạc bộ về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, tập huấn cho các hộ kinh doanh ăn uống về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh…
TIỂU MY