Giải pháp nào giảm thiểu ô nhiễm trên kênh Ba Bò?
(BDO) Qua một lần xử lý vào năm 2008, chất lượng nước kênh Ba Bò và cảnh quan môi trường được cải thiện. Thế nhưng đến năm 2016, chất lượng nước trên kênh có dấu hiệu ô nhiễm trở lại… Vì thế một lần nữa, Bình Dương tiếp tục đi tìm giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu ô nhiễm trên kênh Ba Bò…
Đã xử lý rồi, nhưng…
Đánh giá được thực trạng và nguyên nhân kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng, năm 2008, Bình Dương và TP.HCM đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm trên kênh, như TP.HCM thì xây dựng mở rộng lòng kênh từ hồ điều tiết đến hạ nguồn; nạo vét và mở rộng hồ điều tiết phía thượng nguồn kênh; xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm xử lý các nguồn thải trước khi thải ra hồ điều tiết. Bình Dương thì triển khai dự án nạo vét bùn và rác thải, cải tạo và xây dựng bờ kè, đường giao thông dọc theo kênh Ba Bò trên địa bàn với chiều dài 3.016m. Công trình đã đưa vào hoạt động từ tháng 4-2015 tổng vốn 345 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND TP.HCM và Bình Dương bắt tay bàn cách xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương còn cho biết, trong những năm đó, Bình Dương còn xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải TX.Thuận An với công suất xử lý 17.000m3/ngày; đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động tại Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần I và Sóng Thần II vào cuối năm 2011 để giám sát 24/24 chất lượng nước thải đầu ra. Song song đó, UBND TX.Thuận An đẩy mạnh tuyên truyền, phát tờ rơi cho các hộ dân sông ven kênh Ba Bò, góp phần nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường, không vứt rác xuống kênh… Riêng KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 đã đầu tư xây dựng, nâng cấp công suất xử lý cho các nhà máy xử lý nước thải tập trung từ 10.500m3/ngày lên 17.100m3/ngày để xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong KCN.
Bằng nhiều biện pháp triển khai thực hiện, chất lượng nước kênh Ba Bò và cảnh quan môi trường bắt đầu được cải thiện, cụ thể là hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ trên kênh giảm hơn 80%. Vậy mà đến cuối năm 2016, chất lượng nước trên kênh có dấu hiệu ô nhiễm trở lại. Theo kết quả quan trắc chất lượng nước trên kênh Ba Bò cuối năm này cho thấy, hàm lượng Amoni vượt quy chuẩn từ 17 - 23 lần; hàm lượng COD vượt quy chuẩn 2,6 - 8,3 lần; nhất là qua khảo sát vào tháng 7 vừa qua tiếp tục cho thấy, chất lượng nước kênh Ba Bò vẫn chưa được cải thiện nhiều, hàm lượng Amoni vượt quy chuẩn từ11,6 - 19,4 lần; hàm lượng COD vượt quy chuẩn 1,2 - 5,1 lần).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò hiện nay là do nước thải của một số khu dân cư trên địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An, Khu dân cư Đường Sắt, Khu tái định cư Sóng Thần và Khu thương mại Sóng Thần trên địa bàn phường Dĩ An với lưu lượng khoảng 3.000m3/ngày, nước thải của các cơ sở may mặc, bao bì, gốm mỹ nghệ nằm xen trong khu dân cư thuộc địa bàn phường Tân Đông Hiệp và Dĩ An với tổng lưu lượng khoảng 500m3/ngày chưa được xử lý thải trực tiếp ra kênh Ba Bò; một số doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần I và Sóng Thần II lợi dụng trời mưa xả lén nước thải chưa qua xử lý ra kênh và nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn vào một số thời điểm, hàm lượng COD vượt quy chuẩn dưới 2 lần chiếm 15% số lần quan trắc; vượt 2 - 5 lần chiếm 4% số lần quan trắc và hàm lượng TSS vượt quy chuẩn dưới 2 lần chiếm 2%, vượt quy chuẩn từ2 đến dưới 5 lần chiếm 1% số lần quan trắc…
Tiếp tục đi tìm giải pháp
Để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò, về phía Bình Dương, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2847/UBND-KTN chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm kênh Ba Bò. Theo lãnh đạo Sở TN&MT thì 2 TX.Thuận An, Dĩ An sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý các KCN và chủ đầu tư các KCN kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các tuyến thoát nước của KCN Sóng Thần I và Sóng Thần II; tăng cường giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của các KCN thông qua hệ thống quan trắc tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, tiếp tục quan trắc chất lượng nước trên kênh Ba Bò và cung cấp, chia sẻ các số liệu quan trắc cho Sở TN&MT TP.HCM theo định kỳ hàng tháng.
Ngoài ra, các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý dứt điểm những cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường; lập phương án và triển khai xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu dân cư trên địa bàn, không để nước thải của các khu dân cư này thải vào cống thoát nước mưa của KCN; phối hợp với Quân đoàn 4 kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thuê đất của Quân đoàn 4 có xả nước thải ra kênh Ba Bò; yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm triển khai và đẩy nhanh tiến độ đấu nối nước thải của các hộ dân thải nằm trên lưu vực kênh Ba Bò về Nhà máy xử lý nước thải đô thị TX.Thuận An để xử lý; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho Khu thương mại Sóng Thần; cải tạo, nâng công suất xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Sóng Thần II và xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng từ Nhà máy xử lý nước thải ra kênh Ba Bò…
Kênh Ba Bò nằm trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM bắt nguồn từ đập nước của Quân đoàn 4 chảy qua rạch Cầu Đất vào rạch Vĩnh Bình và cuối cùng đổ ra sông Sài Gòn. Đây là tuyến kênh thoát nước mưa và nước thải của lưu vực phường Bình Chiểu và Linh Trung của quận Thủ Đức, TP.HCM; khu phố Đồng An, phường Bình Hòa, TX.Thuận An và khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp và một phần phường Dĩ An của TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trong đó lưu vực thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò khoảng 1.000 ha. Tổng lưu lượng nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương thải vào kênh Ba Bò khoảng 18.900 - 20.100m3/ngày…
P.V