Giải pháp nào để người dân sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ tại các bưu cục?

Thứ hai, ngày 06/11/2017

(BDO)  Báo Bình Dương số ra ngày 2-11 có đăng bài phỏng vấn ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh, trả lời về những hạn chế và giải pháp của việc tiếp nhận hồ sơ hành chính công qua các bưu cục. Câu hỏi được đặt ra là vì sao qua 3 tháng triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) qua đường bưu điện chỉ phát sinh trên 20 hồ sơ? Vậy giải pháp nào để khắc phục những hạn chế này?

 Triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao

Cách đây hơn 3 tháng, ngày 28-7, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền Thông đã kết hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức khai trương 70 điểm dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại các bưu cục và hệ thống bưu cục văn hóa cấp xã trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố. Để triển khai được dịch vụ theo Quyết định 1593 của UBND tỉnh, các sở, ngành và Bưu điện tỉnh đã kết hợp đào tạo, bồi dưỡng cho tất cả nhân viên bưu điện thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên bưu điện, tạo sự hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua 3 tháng triển khai, việc phát sinh hồ sơ về dịch vụ còn quá ít, chỉ vỏn vẹn trên 20 hồ sơ, trong đó chủ yếu là phát sinh hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp. Các loại thủ tục khác của Sở Nội Vụ, Sở Thông tin- Truyền Thông, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên - Môi trường… hầu như không phát sinh hồ sơ nào.

Nhân viên bưu điện xử lý, phân loại hồ sơ gửi qua các bưu cục để chuyển về các sở, ngành giải quyết

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo các sở và Bưu điện tỉnh cho rằng, Quyết định 1593 của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện giai đoạn 2017-2020 là một quyết định đột phá với hy vọng góp phần đem lại sự minh bạch trong giải quyết TTHC. Việc triển khai dịch vụ tiếp nhận, trả hồ sơ qua bưu điện sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, cơ quan Nhà nước và toàn xã hội. Về phía người dân, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại. Về phía cơ quan Nhà nước, sẽ giảm áp lực tại quầy “một cửa”, nâng cao năng suất lao động và chuyên môn hóa nghiệp vụ cho cán bộ. Về phía xã hội, tiết kiệm được chi phí toàn xã hội bởi tận dụng được mạng lưới bưu chính công ích vào quá trình cải cách TTHC của tỉnh, phù hợp với xu thế chung trong sử dụng lao động thuộc biên chế Nhà nước. Thế nhưng, người dân sử dụng dịch vụ này còn quá ít, chưa đem lại mong muốn chung như kế hoạch ban đầu đề ra.

Giải pháp nào?

Khi triển khai dịch vụ, tất cả các sở, ngành đều hy vọng việc triển khai dịch vụ sẽ đem lại “cú hích” trong việc cải cách TTHC của tỉnh. Thế nhưng, thực tế qua 3 tháng triển khai, hiệu quả chưa cao. Điều này đã làm cho nhiều người trong cuộc trăn trở, băn khoăn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết thực tế, các sở, ngành đã nỗ lực triển khai bài bản quyết định của UBND tỉnh. “Từ khi có kế hoạch đến công tác chuẩn bị, công tác tuyên truyền trên các cơ quan báo, đài, các cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở, ngành đều tốt. Chúng tôi cho rằng, cái chính tạo hiệu quả chưa cao là người dân chưa biết nhiều đến dịch vụ khi có nhu cầu làm TTHC liên quan”.

Ông Trí cho biết thêm, Sở Tư pháp có đến 3 thủ tục được triển khai nhận hồ sơ qua đường bưu điện. Sở Kế hoạch - Đầu tư có đến 6 thủ tục được triển khai như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước), đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp… Ban Quản lý các KCN tỉnh, Ban Quản lý KCN VSIP có đến 25 thủ tục được triển khai... Song, hầu như người dân, doanh nghiệp ít biết. Mới đây Sở Tư pháp đã phát hơn 1.000 tờ rơi tuyên truyền, gửi 1.000 công văn tuyên truyền đến 1.000 doanh nghiệp trên địa tỉnh về các thủ tục tiếp nhận qua bưu điện, bưu chính nhưng kết quả đăng ký trực tiếp qua nhân viên bưu điện, bưu chính lại rất ít. “Tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm bắt mỗi khi họ có nhu cầu làm thủ tục. Cùng với đó, có thể tuyên truyền vào các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học để các học viên nắm được thông tin, khi cần làm thủ tục liên quan chỉ đến bưu điện nộp hồ sơ chứ không cần đến cơ quan Nhà nước”, ông Trí cho hay.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công, chia sẻ đa số người dân, doanh nghiệp chưa biết đến dịch vụ này. Thủ tục họ cần thực hiện có được tiếp nhận tại bưu điện không và địa điểm nào để nộp thì họ cũng không biết. Vì vậy, khi có nhu cầu làm thủ tục, tâm lý người dân vẫn muốn đến cơ quan Nhà nước nộp trực tiếp. Cũng theo ông Huy, số TTHC chọn lựa để nhận tại 70 bưu cục trong giai đoạn 2017 chỉ là 90 TTHC trong tổng số gần 2.000 TTHC của toàn tỉnh. Vì vậy, người dân không biết TTHC nào nộp được tại bưu điện. Đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến số thủ tục phát sinh ít. “Trong định hướng, giải pháp khắc phục, về phía các sở, ngành cần lựa chọn thêm nhiều TTHC có phát sinh nhiều hồ sơ, thiết thực và tổ chức tập huấn kỹ càng để giao bưu điện nhận thêm, hướng đến 100% TTHC người dân và doanh nghiệp có thể đến nộp tại bưu cục bất kỳ trong tỉnh. Cùng với đó là tăng cường giải pháp tuyên truyền, thông qua các kênh thiết thực, theo từng nhóm đối tượng phù hợp. Về phía Bưu điện tỉnh, cần chủ động phối hợp các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền trực quan, có dịch vụ, tiện ích ưu đãi trong một giai đoạn cụ thể hay nhóm đối tượng cụ thể nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ…”, ông Huy nói.

 Lộ trình triển khai thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn I (đến 31-12-2017) triển khai tiếp nhận 90 thủ tục và trả 975 thủ tục qua bưu điện. Giai đoạn II (từ 1-1-2018 đến 31-12-2018) sẽ triển khai tiếp nhận bổ sung 200 thủ tục. Giai đoạn III (từ 1-1-2019 đến 31-12-2019) sẽ triển khai tiếp nhận bổ sung 300 thủ tục. Giai đoạn IV (từ 1-1-2020 đến tháng 12-2020) sẽ triển khai tiếp nhận 385 thủ tục. Tất cả các giai đoạn đều thực hiện 50% TTHC có hồ sơ phát sinh và không quá 10% hồ sơ phải bổ sung thành phần.

 

HỒ VĂN