Giải pháp nào cho câu chuyện tỷ giá?

Thứ tư, ngày 07/08/2013

Việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND sau thời gian dài được giữ ổn định được xem là chủ đề thời sự khá nóng trên thị trường tiền tệ và trên các mặt báo trong vài tuần qua. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về tác động và hiệu quả của đợt điều chỉnh tỷ giá này, nhưng có một tác động không thể bàn cãi là giúp các doanh nghiệp (DN) cảnh giác hơn với những rủi ro từ sự biến động tỷ giá.

Bị động trước tỷ giá

Vậy là sau hơn 18 tháng “ăn ngon ngủ yên”, nỗi lo về biến động tỷ giá đã trở lại khá sát sườn với các DN. Bây giờ câu hỏi đặt ra không còn là khi nào thì sẽ có đợt điều chỉnh tiếp theo, mà DN có nên tiếp tục chấp nhận kinh doanh với nỗi lo phập phồng về tỷ giá trong bối cảnh bản thân họ đang chịu quá nhiều sức ép khác về đầu ra sản phẩm, vốn đầu tư, rủi ro đối tác... trong tình hình kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay?

 Doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hiện nay còn nhiều tiềm ẩn rủi ro do tỷ giá mang lại (ảnh chỉ mang tính minh họa) 

Một DN có tiếng trên thị trường đang phải đối diện với khoản lỗ do tỷ giá tăng mang lại. Dự kiến năm 2013, DN này nhập khẩu với giá trị khoảng 400 triệu USD, khi tỷ giá ngoại tệ tăng lên 1%, DN này sẽ phải bỏ ra vài chục tỷ đồng để bù đắp cho việc biến động tỷ giá. Đó là chưa kể hợp đồng vay trị giá khoảng 93 triệu USD của đơn vị này cũng chịu lỗ nặng từ việc tỷ giá tăng. Để trả số nợ vay bằng USD này, DN cần phải bỏ ra thêm gần 20 tỷ đồng nữa. Một DN khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm làm từ cao su cũng đã chịu khoản lỗ đến 15 tỷ đồng do tỷ giá tăng. Chính vì không chủ động khoanh vùng rủi ro từ tỷ giá tăng mang lại, các DN thường xử lý bị động bằng cách tăng giá hàng hóa dịch vụ sau đó. Tăng giá hàng hóa trong bối cảnh hàng tồn kho cao, cạnh tranh hàng hóa giữa các nước ngày càng gay gắt khiến DN kinh doanh càng thêm khó khăn.

Sự biến động của tỷ giá sẽ tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của DN. Thế nhưng trong nhiều năm qua, các DN Việt Nam vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều đến các giải pháp phòng ngừa ngay khi tỷ giá được giữ ổn định. Ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Khối Nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, kinh doanh vốn và ngoại hối, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận xét, rủi ro tỷ giá là một trong những vấn đề lớn của rất nhiều DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc có mức đầu tư lớn bằng ngoại tệ. Ví dụ, một nhà máy xi măng được xây dựng dựa trên nguồn vốn đi vay bằng Yên Nhật trong khi doanh thu bán hàng lại bằng tiền đồng. Việc tiền Yên lên giá so với tiền đồng sẽ tạo nên khoản lỗ do tỷ giá. Lời khuyên của HSBC là các DN có thể sử dụng một số công cụ như giải pháp hoán đổi tiền tệ giúp chuyển đổi nghĩa vụ trả nợ từ tiền Yên sang tiền đồng và do đó rủi ro tỷ giá sẽ được giảm xuống hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Linh hoạt lựa chọn ngoại tệ thanh toán

Hiện nay các doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều công cụ giúp thực hiện bảo hiểm rủi ro tỷ giá như kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ, quyền chọn ngoại hối. Hợp đồng kỳ hạn không có phí nhưng thiếu sự linh hoạt và thường có kỳ hạn dưới 1 năm. Hợp đồng hoán đổi tiền tệ có các tính năng gần giống với hợp đồng kỳ hạn nhưng thường cho kỳ hạn trên 1 năm. Hợp đồng quyền chọn có phí nhưng kèm theo tính linh hoạt cao….

Trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, các DN thường chọn USD là ngoại tệ trong thanh toán. Chính vì vậy trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng USD chiếm đến 80 - 90% trong thanh toán. Trong khi đó, rổ ngoại tệ ngoài USD ra còn khá nhiều loại ngoại tệ khác. Mỗi loại ngoại tệ có sự biến động khác nhau phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội của quốc gia đó dẫn đến mức độ rủi ro tỷ giá của mỗi ngoại tệ là khác nhau. Thay vì lựa chọn USD làm đồng tiền thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu, các DN nên lựa chọn ngoại tệ nào có giá trị ổn định để giảm thiểu được rủi ro biến động tỷ giá mang lại.

Cũng theo ông Phạm Hồng Hải, các DN xuất khẩu Việt Nam cần tính đến việc ký kết hợp đồng xuất khẩu bằng đồng tiền của nước nhập khẩu thay vì bằng đồng đô la Mỹ truyền thống. HSBC đã tư vấn thành công cho một DN xuất khẩu hải sản lớn của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu với một bạn hàng mới bên Nhật bằng tiền Yên. Bạn hàng Nhật rất hài lòng do loại trừ được rủi ro tỷ giá khi họ nhập khẩu bằng tiền Yên và phân phối lại trong nước cũng bằng tiền Yên. Việc nhà xuất khẩu năng động thanh toán bằng đồng tiền của nước nhập khẩu có thể giúp họ mở rộng được mạng lưới khách hàng của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm sút. Trong khi đó DN xuất khẩu Việt Nam đã thực hiện bảo hiểm tỷ giá tiền Yên với HSBC ngay khi ký hợp đồng xuất khẩu thông qua hình thức giao dịch kỳ hạn.

Ngoài rủi ro tỷ giá, các DN cũng có thể đang gánh chịu rủi ro về lãi suất. Ông Hải cho rằng, các DN đang có những khoản vay đầu tư trung và dài hạn ở mức lãi suất thả nổi đã có lợi trong thời gian qua do lãi suất nói chung đang ở mức rất thấp trong lịch sử. Tuy nhiên với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ và tuyên bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về khả năng cắt giảm chương trình mua trái phiếu, lãi suất dài hạn của đô la Mỹ đã tăng lên mạnh trong thời gian gần đây. Bây giờ là lúc các DN này cần cân nhắc một cách nghiêm túc về việc bảo hiểm lãi suất tăng thông qua hợp đồng hoán đổi lãi suất.

HOÀI ANH