Giải pháp nâng Chỉ số TMĐT: Kéo ngắn khoảng cách với top đầu của cả nước!

Thứ sáu, ngày 11/11/2016

(BDO) Theo báo cáo thương mại điện tử (TMĐT) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Bình Dương với thứ hạng Chỉ số TMĐT (EBI) nằm trong top 5 của cả nước, trong đó chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp (DN) và DN (B2B) hạng thứ 4 và giữa DN và người tiêu dùng (B2C) hạng thứ 6. Nhưng từ vị trí này nhìn về kết quả của cả nước thấy khoảng cách giữa top 5 và các top khác khá xa, cũng như khoảng cách giữa cánh chim đầu đàn TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng còn xa!

Khoảng cách ngày càng xa

Tại Lễ Công bố EBI 2015, ông Nguyễn Kỳ Minh - Chánh Văn phòng VECOM cho biết, EBI được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát gần 5.000 DN trên cả nước. Qua báo cáo này cho thấy TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tiếp đứng đầu về EBI trong 4 năm qua và vượt xa tất cả các địa phương khác. Các địa phương có EBI cùng nằm trong top 5 là Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng.

Cũng theo ông Minh, năm 2015 cũng là năm đầu tiên có sự điều chỉnh đáng kể trong phương pháp tính chỉ số, bao gồm chỉ số thành phần nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL & HTCNTT). Với cách tính này Hà Nội có chỉ số thành phần NNL & HTCNTT cao nhất (84,7), tiếp theo là TP.Hồ Chí Minh (80,3), Đà Nẵng (67,3), Bà Rịa - Vũng Tàu (57,5) và Hải Phòng (56,8).

5 địa phương có chỉ số thành phần NNL & HTCNTT thấp nhất là Cà Mau (35,5), Cao Bằng (34,7), Hà Giang (34,7) và Lai Châu (33,7). Ông Minh nhận định: “Những tỉnh ở khu vực này còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai TMĐT, bao gồm chi phí chuyển phát và hoàn tất đơn hàng rất cao”.

Theo đó, điểm bình quân của các địa phương về EBI năm 2015 chỉ đạt 43,9 trên tổng điểm 100. Điểm bình quân của top 5 địa phương đứng đầu là 63,4, trong khi điểm bình quân của top 5 địa phương đứng cuối bảng chỉ là hơn 30. Như vậy, chênh lệch điểm giữa top 5 địa phương đầu bảng và top 5 địa phương cuối bảng năm nay lên tới hơn 30 điểm, trong khi điểm chênh lệch của năm 2014 chỉ khoảng 18.

TMĐT chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh

Mặc dù có sự chênh lệch lớn về EBI giữa các địa phương, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chủ tịch VECOM, năm 2015, TMĐT vẫn được đánh giá là phát triển nhanh, thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức ở nước ta. Một số DN hàng đầu về TMĐT có tốc độ tăng trưởng trên 200%.

EBI năm 2015 cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong giao dịch trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với DN (G2B). Đón bắt xu hướng TMĐT trên nền tảng di động đã trở thành công cụ quan trọng trong kinh doanh trực tuyến, đã có 26% DN có website tương thích với thiết bị di động và 18% có các ứng dụng di động phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chưa đáp ứng với triển khai TMĐT theo chiều sâu. Đồng thời, dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng và thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng tốt đòi hỏi của TMĐT. Các DN cũng chưa quan tâm thỏa đáng với hoạt động tiếp thị trực tuyến.

Khảo sát của VECOM cũng cho thấy, 50% DN cập nhật thông tin hàng ngày trên website, 22% cập nhật hàng tuần, còn lại 11% DN trung bình mỗi tháng chỉ cập nhật một lần. Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 53%, trong khi đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 17%. Tỷ lệ này không có sự khác biệt lớn so với năm 2014.

Căn cứ chỉ số trên, VECOM cho rằng, TMĐT Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ ba là giai đoạn phát triển nhanh. 2 giai đoạn trước là giai đoạn hình thành (1998-2005) và phổ cập (2006-2015).

Năm 2015 TP.Hồ Chí Minh đứng thứ nhất với chỉ số tổng hợp là 73,3 điểm, đứng thứ hai là Hà Nội với 72,0 điểm. Hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này liên tiếp đứng thứ nhất và thứ hai trong suốt 4 năm qua và khác biệt rất lớn với các địa phương còn lại.

Mặc dù thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu nhưng khoảng cách giữa 3 địa phương tiếp theo là Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng so với hai trung tâm kinh tế trên đã khá xa.

Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thấp nhất (32,9) so với nhóm năm tỉnh cao nhất (63,4) lên tới 30,5, cao hơn khoảng cách 20,3 và 18,0 điểm của các năm 2014 và 2013. Như vậy, xu hướng là chênh lệch về sự phát triển của TMĐT giữa các địa phương tăng dần theo thời gian. Để thu hẹp khoảng cách này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan tới TMĐT, công nghệ thông tin và truyền thông.

Bài học từ TP.Hồ Chí Minh

Cũng như các năm trước, vào đầu năm 2016, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Chương trình bình chọn “Top 10 DN tiêu biểu” năm 2015. Chương trình đã thu hút sự tham gia của 56 DN là chủ sở hữu 66 website TMĐT với nhiều mô hình hoạt động khác nhau, đa dạng về ngành nghề, phong phú về sản phẩm, bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động TMĐT như: thanh toán trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT, giao nhận hàng hóa… Trong đó, có 17 DN và 27 website mới tham gia lần đầu. Dựa trên kết quả 37.382 lượt bình chọn hợp lệ của người tiêu dùng kết hợp với bảng điểm của Hội đồng Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã xác định được 10 DN TMĐT tiêu biểu năm 2015, bao gồm: Công ty CP TM Nguyễn Kim, Công ty TNHH Bán lẻ Recess (Zalora.vn), Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty CP Tiki (Tiki.vn), Công ty CP Thế giới Di động (dienmayxanh.com và thegioididong.com), Công ty CP Zanado, Công ty TNHH Careerlink (Careerlink.vn), Công ty CP Công nghệ DKT (DKT.com.vn), Công ty TNHH Hotdeal (Hotdeal.vn), Công ty TNHH Bán lẻ Recess (Lazada. vn). Riêng Công ty CP Tiki đạt 2 giải: Giải thưởng Xuất sắc năm 2015 do Hội đồng Ban Giám khảo đánh giá và Giải thưởng Ưa thích nhất năm 2015 do người tiêu dùng bình chọn.

Cũng tại buổi lễ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã trao tặng bằng khen “Đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong chương trình” cho 2 DN đã có ít nhất 3 năm được Sở Công Thương trao tặng giải thưởng TMĐT TP trong giai đoạn 2011-2015, bao gồm Công ty TNHH Hotdeal và Công ty CP Thế giới Di động.

Đây là chương trình bình chọn thường niên từ năm 2009 đến nay nhằm khen thưởng những DN ứng dụng TMĐT thành công, đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển TMĐT, đồng thời tập hợp, nhân rộng những bài học kinh nghiệm về ứng dụng TMĐT trong cộng đồng DN. Bên cạnh đó, chương trình còn nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, niềm tin của người tiêu dùng trên cả nước về TMĐT.

Có thể nói giải thưởng TMĐT đã hà hơi tiếp sức cho chương trình TMĐT của TP.Hồ Chí Minh luôn nằm trong top dẫn đầu cả nước về chỉ số giao dịch giữa DN và DN (B2B) và giữa DN và người tiêu dùng (B2C). Đây chính là bài học kinh nghiệm, là giải pháp dẫn đến thành công của chương trình TMĐT TP.Hồ Chí Minh, cũng chính là bài học kinh nghiệm, là giải pháp để các tỉnh, thành bạn học tập, làm theo, kéo giảm khoảng cách giữa top đầu và các top sau.

Tóm lại, từ bài học về sự chênh lệch ngày càng xa giữa top các tỉnh, thành dẫn đầu và các tỉnh trong top cuối, từ sự phát triển nhanh của TMĐT cả nước. Đặc biệt, qua bài học từ sự phát triển TMĐT vượt bậc của TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương càng cần cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện các giải pháp thúc đẩy chương trình TMĐT phát triển, nâng cao chỉ số TMĐT, góp phần phát triển nền kinh tế số trong thời gian tới.

 BẢO ANH