Giải pháp khuyến công: Chính là vốn!
Khuyến công Bình Dương đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm. Qua đó, các đơn vị thụ hưởng chương trình khuyến công đã nâng cao năng lực sản xuất, doanh thu, lợi nhuận cũng như đóng góp cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Song hoạt động khuyến công gặp nhiều khó khăn do định mức hỗ tr ợ còn quá thấp, mà việc xã hội hóa công tác khuyến công còn quá nhỏ bé!
(BDO)
Máy phát điện công suất 2.500kVA do SBMPOWER sản xuất, là máy phát điện có công suất lớn nhất nước hiện nay
Doanh nghiệp CNNT vượt khó, vươn lên
Bình Dương hiện có hơn 3.855 DN hoạt động trong lĩnh vực CNNT, 66 tổ hợp tác, 16 hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở CNNT trên địa bàn tuy có quy mô đầu tư không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương (TTKC & TVPTCN), những năm qua, tỉnh đã đưa các cơ sở CNNT vào nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ và thực hiện nhiều chương trình, nội dung hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở này .
Trong năm 2015, trung tâm đã thực hiện tổng kinh phí khuyến công là 5,77 tỷ đồng. Tổng vốn đối ứng của DN là 19,8 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia là 3 tỷ đồng, khuyến công địa phương hơn 2 tỷ đồng. Khuyến công địa phương đã thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất cho 10 DN, cơ sở CNNT, với ngân sách hỗ trợ là 950 triệu đồng, thu hút vốn đối ứng của các DN, cơ sở gần 9 tỷ đồng. Qua con số này cho thấy chương trình khuyến công đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, cơ sở CNNT trong việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất kinh doanh.
Nhìn chung, các đề án khuyến công đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng, giúp các cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển cả về quy mô và chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn.
Tích cực giải quyết bất cập
Tuy nhiên, theo đánh giá của khối DN CNNT thì tuy có được quan tâm đầu tư, nhưng vốn khuyến công của Nhà nước vẫn còn quá ít ỏi, còn về phía TTKC & TVPTCN cho biết việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện toàn tỉnh có 123 HTX nhưng chỉ có 16 HTX tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, chính sách khuyến công được triển khai đến cơ quan đầu mối là liên minh HTX nhưng việc thực hiện chi tiết đề án còn nhiều hạn chế. Cơ sở CNNT cũng chưa nắm được cơ chế ưu đãi trong chính sách khuyến công, do đó chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Để khắc phục những bất cập, tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT phát triển, TTKC & TVPTCN Bình Dương có định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương để nắm bắt nhu cầu, khó khăn của cơ sở nhằm xây dựng và thực hiện các đề án hỗ trợ thiết thực hơn.
Trước mắt, trung tâm bám sát các đề án đang triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký, rà soát kinh phí đã phân bổ, tiến hành điều chỉnh theo đúng nội dung chính sách và nhu cầu thực tế của đơn vị thụ hưởng.
Giải pháp khuyến công
Rõ ràng thời gian qua, thông qua các chương trình khuyến công, TTKC & TVPTCN, Sở Công thương Bình Dương, đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ DN CNNT đổi mới công nghệ, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hoạt động thời gian vừa qua cũng cho thấy nguồn kinh phí khuyến công chỉ mới hỗ trợ được một số chương trình và ngành nghề nhất định (như đào tạo nghề trong ngành gỗ, dệt may, đan lát...) và tập trung ở một số địa bàn như Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An. Các địa phương khác như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An dù đã được phổ biến rộng rãi chính sách khuyến công nhưng từ năm 2006 đến nay chưa có nhiều DN đăng ký thụ hưởng, nên có rất ít chương trình được triển khai thực hiện trên các huyện thị này .
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc TTKC & TVPTCN, bên cạnh các chương trình khuyến công hỗ trợ thiết thực cho DN, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực thi chính sách cần sớm được cải thiện và tháo gỡ. Các chương trình khuyến công chưa phong phú và đa dạng là do có sự trùng lắp với các chương trình hỗ trợ của các Sở ban ngành khác (ví dụ như đào tạo nghề). Mức hỗ trợ kinh phí đối với một số chương trình còn tương đối thấp đòi hỏi DN phải bỏ ra một nguồn lớn kinh phí đối ứng mới nhận được sự hỗ trợ của nhà nước (ví dụ DN muốn hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng đối với các nội dung chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại thì đòi hỏi DN bỏ ra kinh phí đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên). Mặc khác, thời gian phê duyệt kinh phí đôi khi lại kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị thụ hưởng…Trên cơ sở Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công đã đựợc ban hành, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét nâng định mức hỗ trợ của các chương trình khuyến công lên cao hơn mức quy định hiện nay (tại Thông tư liên tịch số 125/TTLT/ BTC-BCT ngày 17/06/2009) cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo thêm nhiều động lực, khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT nhiều hơn nữa trong đào tạo nghề cho lao động, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm mới, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Về phía TTKC & TVPTCN cũng đề ra giải pháp chủ động bám sát chỉ đạo của Bộ Công thương, Cục Công nghiệp địa phương, phối hợp sâu sát với các Sở ngành, địa phương, đặc biệt là các huyện, thị xã, các đoàn thể và hiệp hội ngành hàng trong việc triển khai thực hiện chính sách khuyến công, nhằm tiếp cận, nắm bắt nhu cầu, khó khăn của cơ sở, DN, để qua đó có thông tin chính xác làm cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình đề án hỗ trợ mang tính khả thi cao và hỗ trợ thiết thực cho các DN và cơ sở CNNT.
Tóm lại, giải pháp lớn nhất để nâng cao chất lượng khuyến công nằm trong một chữ “vốn”! TTKC & TVPTCN cần nguồn vốn tăng cường từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước ở Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí huy động, lồng ghép khác của các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân khác để bổ sung thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tiến tới xã hội hóa hoạt động khuyến công, tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
NGUYỄN ẢNH