Giải pháp hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh
(BDO) Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng…
Tại Bình Dương, trong những năm qua, ngành dân số đã tích cực phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành, đoàn thể… triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tình trạng MCBGTKS, bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh trong những năm gần đây được duy trì ở mức bình thường là 106 bé trai/100 bé gái (năm 2018), 6 tháng đầu năm 2019 là 105,3 bé trai/100 bé gái.
Để hạn chế MCBGTKS, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân nhằm chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế và đi đến loại trừ lựa chọn giới tính thai nhi. Đối tượng ưu tiên được tuyên truyền là phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt đã có 2 con một bề và nhất là 2 con gái, nam giới, người cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính. Thứ ba, có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có 1 con gái hoặc 2 con gái. Nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Thứ tư, sử dụng những hình thức xử phạt thực sự có hiệu quả để răn đe mọi hành vi tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn và xác định giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, đặc biệt là các ấn phẩm với nội dung hướng dẫn sinh con trai hay con gái theo ý muốn, phương pháp siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai lựa chọn giới tính. Thứ năm, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp có thẩm quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh.
CẨM LÝ