Giải pháp giảm thải khí nhà kính trong chế biến cao su
(BDO) Nghiên cứu khoa học cho thấy số lượng phát thải KNK của hoạt động chế biến cao su chủ yếu từ các quá trình tiêu thụ điện năng, tiêu thụ nhiên liệu (lò sấy, máy phát điện). Để giảm thải KNK, Bình Dương có thể thực hiện những biện pháp sau:
(1). Giảm thiểu phát thải từ sử dụng các dạng năng lượng, đó là thay đổi nhiên liệu sử dụng đối với lò sấy và tiết kiệm năng lượng điện sử dụng. Tuy nhiên, tiềm năng giảm phát thải KNK từ việc giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình chế biến cao su thiên nhiên là không cao, do phát thải từ sử dụng điện chiếm khoảng 1% tổng phát thải của sản phẩm; từ tiêu thụ nhiên liệu chiếm chưa đến 0,2% tổng phát thải. Mặc dù vậy, việc làm này có thể giảm chi phí chế biến cao su thiên nhiên.
(2). Giảm thiểu phát thải từ chuyển đổi công nghệ xử lý nước thải tại nhà máy: Theo nghiên cứu thực hiện kiểm kê phát thải từ hệ thống xử lý nước thải đối với sản phẩm mủ tinh - trường hợp áp dụng biện pháp xử lý kỵ khí kết hợp với hiếu khí, kết quả giảm phát thải trong trường hợp áp dụng biện pháp kỵ khí là khoảng 2,3% tổng phát thải của sản phẩm cao su khối từ mủ nước. Qua đó, có thể nhận định khả năng giảm thiểu phát thải từ hệ thống xử lý nước thải của các sản phẩm cao su là có cơ sở thực hiện.
(3). Ngoài ra, có thể thu hồi CH4 từ hệ thống để tận dụng làm nhiên liệu đốt cấp nhiệt cho hoạt động sản xuất. Theo nghiên cứu đối với 1 nhà máy sản xuất, chế biến cao su sử dụng than để sấy sản phẩm với lượng tiêu thụ khoảng 432 tấn/năm. Ước tính lượng Biogas có thể thu hồi khoảng 280m3/ngày, sản lượng khí metan là 168m3/ngày (tương đương 150 lít dầu DO). Như vậy, có thể thu hồi được lượng nhiệt là 1.520kcal/ngày. Nhiệt lượng cần thiết để sấy sản phẩm là 300kcal/tấn, như vậy lượng khí Biogas thu hồi có thể sử dụng để sấy được 5 tấn sản phẩm mỗi ngày. Tỷ lệ nhiên liệu tiết kiệm được cho quá trình sấy sản phẩm của nhà máy là 25%.
ĐÌNH THẮNG