Giải pháp để đạt tăng trưởng hai con số

Thứ năm, ngày 16/01/2025

Là đầu tàu kinh tế với tổng thu ngân sách, thu hút FDI hay thu nhập bình quân đầu người đều vượt trội so với cả nước, vùng Đông Nam bộ vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ. Để đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2025 theo mục tiêu đã đề ra, nhiều cơ hội và giải pháp cho vùng Đông Nam bộ đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra, trong đó “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông kết nối vùng cần được ưu tiên tháo gỡ.

 Năm 2024, Đông Nam bộ tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế với tổng thu ngân sách đạt hơn 733.000 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng thu quốc gia, vượt dự toán 3,6%. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch cả nước, tăng 11% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD/năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước. Những con số nêu trên đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ phát triển của vùng Đông Nam bộ đang có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạ tầng vùng Đông Nam bộ chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế. Vùng Đông Nam bộ đang nổi lên như một điểm nhấn động lực nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa. Đây cũng là vùng thu hút nhiều dự án FDI nhất nước. Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối vùng còn nhiều “điểm nghẽn”, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên; giao thông kết nối cảng biển chưa hoàn thiện, từ đó tác động làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của vùng.

Để đạt tăng trưởng hai con số trong năm 2025 theo mục tiêu đã đề ra, giải pháp đặt ra cho vùng Đông Nam bộ trước mắt là ưu tiên tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối cảng biển. Xác định rõ vấn đề này, các địa phương trong vùng đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Một khi các công trình, dự án mang tính kết nối vùng hoàn thành sẽ tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, tạo ra hệ sinh thái logistics hoàn chỉnh đáp ứng sự phát triển của toàn vùng.

Cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, các địa phương vùng Đông Nam bộ cũng đang hướng tới phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mới nổi; thay đổi, cơ cấu lại công tác quản trị theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số… Tuy nhiên, để Đông Nam bộ thực sự trở thành đầu tàu kinh tế, đủ sức kéo cả con tàu, vẫn cần lắm một cơ chế đặc thù cho toàn vùng.

LÊ QUANG