Giải pháp cho công nghiệp phụ trợ phát triển

Thứ sáu, ngày 12/01/2018

Năm 2018, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho DN sản xuất. Nếu không có sự hợp tác, liên kết với DN đầu tư nước ngoài, DN trong nước sẽ khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

(BDO)

 Sớm tăng tỷ lệ nội địa hóa

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh tăng 17,6% so với năm 2016 và được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018. Kết quả là vậy, nhưng lãnh đạo các DN gỗ trên địa bàn tỉnh cho biết trong năm qua, lãi thực họ có được không cao do nguyên liệu phụ trợ liên tục tăng giá (tăng đến 20% so với năm trước). Thực tế, nguyên phụ liệu ngành gỗ chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành sản xuất ra sản phẩm gỗ (bình quân 20 - 30%), trong khi phần lớn nguyên liệu hỗ trợ hiện nay của các DN đều là hàng nhập khẩu. Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A, cho biết hàng năm các DN gỗ trong tỉnh tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho nguồn phụ liệu, như đinh vít, sơn, véc-ni, giấy chà nhám… Các mặt hàng này được cung cấp bởi các DN nhập khẩu về phân phối lại tại thị trường Bình Dương.

 CNPT phát triển đóng vai trò to lớn cho ngành công nghiệp tỉnh nhà. Trong ảnh: Sản xuất giày tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: TIỂU MY

Đối với ngành may mặc, năm 2018 được dự báo có mức tăng trưởng tốt. Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, đến thời điểm này nhiều DN dệt may có quy mô lớn trên địa bàn đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số DN đã có đơn hàng cho cả năm 2018. Mặc dù vậy, hầu hết DN đang lo về đơn giá, vì hiện mặt hàng may mặc đang có xu hướng giảm giá ở nhiều thị trường trên thế giới. Trong khi đó, ngành dệt may của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí cho nguyên vật liệu phụ trợ tăng, giá trị gia tăng thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều DN chưa theo kịp với xu hướng hiện nay. Muốn hội nhập, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, các DN cần tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, có thêm nguồn nguyên phụ liệu…

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho rằng, điểm yếu và là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may trong nước có giá trị gia tăng thấp là do chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may. Chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi từng khâu phải đáp ứng tốt nhất cả về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Để khắc phục những tồn tại nói trên, hiện Chính phủ và các bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành CNPT, trong đó có sản phẩm CNPT của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.

Tạo sự liên kết DN trong và ngoài nước

Thực hiện Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 26-11- 2011 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt đề án định hướng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, đến nay Bình Dương đã và đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho CNPT, tạo đà cho các ngành công nghiệp khác phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các DN nước ngoài tham gia phát triển CNPT. Điển hình, cuối năm 2016, Tập đoàn KOLON đã ký bản ghi nhớ với tỉnh về việc triển khai dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trên diện tích 42 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Theo kế hoạch mà nhà đầu tư này cam kết, trong giai đoạn I (2017-2018) sẽ đầu tư 220 triệu USD, giai đoạn II (2018-2026) là 600 triệu USD, sau đó là giai đoạn III. Dự án của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm… Sựphát triển của CNPT bước đầu đã hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước vàDN vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, các sản phẩm CNPT của Bình Dương hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, còn các DN trong nước lĩnh vực này phát triển khá chậm, quy mô nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế. Phần lớn các DN sản xuất CNPT trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam...

Lý giải về vấn đề thiếu sự liên kết giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng do DN trong nước chưa đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng của các DN nước ngoài. DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng đáp ứng về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đối tác còn hạn chế…

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bền vững thì không có con đường nào khác là phải tập trung phát triển CNPT, bởi đây chính là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp bền vững. Đối với DN CNPT trong nước, cần phải liên kết với DN đầu tư nước ngoài để học cách thiết kế, chế tạo, tiếp thu công nghệ nguồn…

 TIỂU MY