Giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu

Thứ năm, ngày 09/11/2017

(BDO) UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2633/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Theo đó, mục tiêu dự án là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương do tác động BĐKH của các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng trồng và rừng tự nhiên; ngăn chặn sự suy giảm diện tích rừng, suy thoái chất lượng rừng và cải thiện cấu trúc rừng. Dự án có quy mô 10.687,61 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện nhóm giải pháp về chiến lược và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và mảng xanh đô thị; nhóm các giải pháp về kỹ thuật lâm sinh; giải pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Cụ thể, về nhóm giải pháp về chiến lược và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và mảng xanh đô thị: Cần phải bảo vệ và phát triển rừng, với những loài cây rừng thực thụ có tác dụng hấp thụ carbon, che phủ đất, chống thoái hóa đất, hấp thụ nhiệt, tạo cảnh quan.


Tuổi trẻ Bình Dương khai thông dòng chảy không để ngập lụt tại một kênh rạch

Bảo vệ nghiêm ngặt 1.792,23 ha diện tích rừng tự nhiên hiện còn, phát triển diện tích trồng cây rừng thực thụ để phòng hộ đầu nguồn; duy trì ổn định diện tích đất đã quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 10.687,61 ha để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp tổ chức, quản lý rừng một cách ổn định và bền vững; gia tăng tỷ lệ mảng xanh để bảo vệ môi trường, kết hợp tạo cảnh quan, thẩm mỹ cho đô thị Bình Dương trong tương lai. Phát triển mảng xanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm diện tích cây xanh trong phạm vi khu, cụm tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ khu, cụm công nghiệp; tăng tỷ lệ cây xanh phân tán trong đô thị; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây xanh phân tán để gia tăng tỷ lệ mảng xanh, giảm phát thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển Bình Dương bền vững…

Về nhóm các giải pháp về kỹ thuật lâm sinh: Đối với trạng thái rừng non phục hồi, là trạng thái rừng tự nhiên phổ biến hiện còn trên địa bàn tỉnh, có mục đích sử dụng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất thì đều sử dụng các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng và năng lực phòng hộ đầu nguồn theo hướng xây dựng cấu trúc rừng chuẩn, phân bổ số cây theo đường kính theo phân bổ giảm với tỷ lệ cấp đường kính từ 8 - 20cm là 73%, cấp đường kính từ 20 - 40cm là 19% và cấp đường kính trên 40cm là 8%... Đối với rừng khộp, ngoài việc tỉa thưa những cây cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn và cây gỗ tạp thì cần trồng bổ sung những loại cây bản địa mục đích như giáng hương, cà te hay gõ đỏ, gụ mật, cẩm liên, sao đen, dầu rái… nhằm chống chọi với nạn cháy rừng và góp phần tăng tỷ lệ cây bản địa mục đích, tăng tổ thành loài. Đối với trạng thái rừng trồng hỗn loài cây lớn bản địa thì cũng cần tiến hành các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Về giải pháp quản lý rừng, đất lâm nghiệp: Rà soát thành lập các chủ rừng cho những diện tích rừng hiện nay chưa có chủ rừng để quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; rà soát tất cả diện tích đất lâm nghiệp đang khoán cho các hộ dân để điều chỉnh cơ cấu cây trồng vừa bảo đảm đúng mục tiêu là “rừng phòng hộ” vừa cải thiện thu nhập cho hộ dân và ứng phó với tác động của BĐKH.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức chủ rừng, các tổ chức đang được giao quản lý rừng, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được khoán rừng, cho thuê rừng về tình hình BĐKH, các chính sách của Nhà nước liên quan đến bảo vệ rừng ứng phó với BĐKH và những giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường của rừng.

P.V