Giải Nobel Kinh tế 2016 thuộc về hai nhà kinh tế ở Mỹ
(BDO)
Huy chương giải Nobel - Ảnh: Nobelprize.org
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố quyết định chọn lựa hai ông Oliver Hart của trường ĐH Harvard và Bengt Holmström của trường MIT nhận giải Nobel Kinh tế 2016 cho những đóng góp của họ cho lí thuyết hợp đồng.
Các nền kinh tế hiện đại được gắn kết với nhau bởi vô số hợp đồng. Những công cụ lí thuyết mới do Hart và Holmström thiết lập nên có giá trị lớn trong việc hiểu các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như các cạm bẫy tiềm năng trong thiết kế hợp đồng.
Một trong số các mục tiêu của lý thuyết hợp đồng là giải thích vì sao các hợp đồng lại có nhiều hình thức và thiết kế khác nhau.
Giáo sư Oliver Hart là người Mỹ gốc Anh còn giáo sư Bengt Holmström là người Phần Lan.
Theo nghiên cứu của Holmström, nếu việc trả lương cho nhân viên theo hiệu suất làm việc của một nhà quản lý chú trọng đến dòng tiền ngắn hạn thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của công ty.
Giải Nobel Kinh tế được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chọn lựa, như cách với các giải Vật lý và Hóa học và được trao hằng năm tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển.
Trước giờ công bố giải, theo một cuộc bình chọn của độc giả hãng tin Reuters thực hiện, chuyên gia kinh tế người Pháp Oliver Blanchard được xem là ứng viên sáng giá nhất cho giải Nobel Kinh tế năm nay. Ông Blanchard từng đảm nhiệm vị trí chuyên gia kinh tế trưởng ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện đang công tác tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Ông đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô, đặc biệt các yếu tố quyết định biến động kinh tế và việc làm.
Tuy vậy, tờ Wall Street Journal (Mỹ) chỉ ra rằng việc quết định trao giải Nobel Kinh tế cho ai cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố chính trị. Nếu trao giải cho nhà kinh tế học thương mại 82 tuổi người Mỹ gốc Ấn Jagdish Bhagwati thì đó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ để hướng sự chú ý của quốc tế đến các lợi ích của thương mại tự do, trong bối cảnh mà chính sách này đang hứng chịu nhiều chỉ trích khắp châu Âu và Mỹ, tờ báo này nêu ví dụ.
Ông Bhagwati, hiện đang giảng dạy tại Đại học Columbia (Mỹ), được biết đến như một người ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do và đã từ lâu được xem là ứng cử viên thường xuyên của giải Nobel Kinh tế hằng năm.
Các nghiên cứu kinh tế có liên hệ với những vấn đề nóng bỏng khác hiện nay như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong chính sách thuế, tăng trưởng sản xuất, cũng được tờ báo này dự đoán sẽ được đưa lên bàn cân để xét giải Nobel Kinh tế năm nay.
Kinh tế vĩ mô là lĩnh lực nghiên cứu phổ biến nhất của những nhà khoa học nhận giải Nobel Kinh tế, có đến 9 người đã được trao giải cho những nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Nobel Kinh tế ra đời năm nào?
Năm 1968, Ngân hàng trung ương Thụy Điển Sveriges Riksbank đã thêm lĩnh vực kinh tế học vào danh sách các giải Nobel để tưởng nhớ Alfred Nobel, cha đẻ của giải thưởng này, cũng như để kỷ niệm 300 năm thành lập của ngân hàng.
Đây là giải Nobel đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này không có trong di chúc của Alfred Nobel. Toàn bộ tiền thưởng và chi phí khác cho việc trao giải Nobel Kinh tế hằng năm do ngân hàng Sveriges Riksbank tài trợ.
Giải Nobel Kinh tế, tên đầy đủ là "Giải thưởng Sveriges Riksbank cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel", thường bị chỉ trích là đã lợi dụng tiếng tăm của giải Nobel để tạo uy tín cho mình vì nhà khoa học Alfred Nobel không hề đề cập đến giải này trong di chúc.
Một trong những người phản đối nổi bật nhất chính là luật sư nhân quyền người Thụy Điển Peter Nobel, cháu cố của Alfred Nobel. Ông Peter Nobel cho rằng không có thành viên nào trong gia đình Nobel từng có ý định thành lập một giải thưởng trong lĩnh vực kinh tế cả.
Hai nhà kinh tế học Ragnar Frisch (Na Uy) và Jan Tinbergen (Hà Lan) là những người đầu tiên được vinh danh ở giải Nobel Kinh tế vào năm 1969. Từ đó đến nay đã có tổng cộng 47 giải Nobel Kinh tế được trao cho 76 cá nhân khác nhau.
Theo TTO