Giải Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới
(BDO)
(Ảnh minh họa: EPA)
Nhờ nỗ lực chống lại nạn đói, góp phần cải thiện điều kiện hòa bình tại các khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột và hoạt động như một động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã trở thành chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình năm 2020.
Vào lúc 16 giờ ngày 9-10 (giờ Việt Nam), tại Viện Nobel ở Oslo, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen công bố: “Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao Giải Nobel Hòa bình năm 2020 cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống lại nạn đói, vì những đóng góp nhằm cải thiện điều kiện hòa bình tại các khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột và vì tổ chức này đã hoạt động như một động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột”.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới có thể giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2019, WFP đã viện trợ gần 100 triệu người tại 88 quốc gia, những người này là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp và đói nghèo.
Trước đó, năm 2015, xóa đói được xác định là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ) và WFP là công cụ cơ bản giúp LHQ đạt được mục tiêu này.
Trong những năm gần đây, nạn đói đã diễn biến tiêu cực hơn. Có tới 135 triệu người sống trong nạn đói cùng cực vào năm 2019, mức cao nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua. Nguyên nhân được cho là do chiến tranh và xung đột vũ trang. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã góp phần làm số nạn nhân của nạn đói tăng cao.
Mối liên hệ giữa nạn đói và xung đột vũ trang tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột có thể gây ra mất an ninh lương thực và nạn đói, trong khi nạn đói và mất an ninh lương thực có thể gây ra các cuộc xung đột âm ỉ, kéo theo việc sử dụng bạo lực.
Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh rằng, sự hỗ trợ nhằm tăng cường an ninh lương thực không chỉ để ngăn chặn nạn đói mà còn có thể giúp cải thiện triển vọng của sự ổn định và hòa bình. WFP đã dẫn đầu trong việc phối hợp hoạt động nhân đạo và nỗ lực hòa bình thông qua các dự án tiên phong tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.
Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn hướng sự chú ý của thế giới tới hàng triệu người đang đối mặt với mối đe dọa của nạn đói. “WFP đóng vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm đưa an ninh lương thực làm một công cụ của hòa bình và đóng góp mạnh mẽ vào việc huy động các quốc gia thành viên LHQ chống lại việc sử dụng đói nghèo làm công cụ của chiến tranh và xung đột", bà Reiss-Andersen nêu rõ.
“Là cơ quan chuyên môn lớn nhất của LHQ, WFP là phiên bản hiện đại của tiến trình hòa bình mà Giải Nobel Hòa bình muốn thúc đẩy. Công việc của WFP nhằm giúp ích cho nhân loại là sự cố gắng mà tất cả các quốc gia trên thế giới nên tán thành và ủng hộ”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy kết luận.
Năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy đã cân nhắc 318 ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình, trong đó có 211 cá nhân và 107 tổ chức.
Theo Nobelprize.org, từ năm 1901 đến 2020, Giải Nobel Hòa bình đã được công bố 101 lần, trong đó, 25 tổ chức đã trở thành chủ nhân của giải thưởng danh giá này.
Theo NDĐT