Giải nhiệt mùa nắng nóng với rau má
Trong những ngày nóng bức, nhiệt độ có khi lên đến 370C thì nhu cầu giải nhiệt cho cơ thể được nhiều người quan tâm, rau má là một trong những chọn lựa này. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của bác sĩ Lương Tấn Thông, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh về tác dụng của rau má.
Rau má còn có tên là Tích tuyết thảo. Loại thực vật nầy mọc lan trên mặt đất có lá trông giống như những đồng tiền tròn được xếp nối tiếp nhau nên còn gọi là Liên tiền thảo. Rau má có tên khoa học là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae, là một thứ rau dại ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lũng, bờ mương, cây rau má có thân nhẵn, mọc lan trên mặt đất, có rễ ở các mấu. Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào can, tỳ vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sảy. Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid. Hoạt chất asiaticoside đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao.
Đối với da, nhiều công trình nghiên cứu và kết quả lâm sàng đều cho thấy dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết giúp vết thương chóng lành và mau lên da non. Đối với tuần hoàn huyết, những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu. Do đó rau má cũng thường được dùng trong các chứng tăng áp lực tĩnh mạch ở các chi dưới.
Nước ép rau má là một cách sử dụng rau má đơn giản và thông dụng nhất. Nước ép rau má tươi có đầy đủ các hoạt chất và tác dụng đã đề cập. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 - 40g rau má tươi. Lá rau má mua về rửa sạch, giã hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước vào. Vắt và lọc bỏ xác. Thêm vào một ít đường cho dễ uống.
ĐỨC LÊ (thực hiện)