Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam V-League: Cần có những giải pháp căn cơ nâng cao giá trị

Thứ sáu, ngày 29/12/2017

(BDO) Những ngày gần đây, người hâm mộ bóng đá nước nhà đang rất quan tâm đến câu chuyện về giá trị của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League) đang bị “xuống giá” trước mắt những nhà tài trợ chiến lược. Đã đến lúc những nhà quản lý nền bóng đá (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF) và đơn vị điều hành trực tiếp các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VFF) cần phải tiến hành những giải pháp căn cơ để cải thiện hình ảnh và giá trị của các giải bóng đá hàng đầu xứ Việt.


Những đội bóng có lối chơi đẹp mắt, cống hiến và nhiều cầu thủ giỏi như HAGL sẽ góp phần thu hút khán giả đến sân, gia tăng giá trị giải đấu.
Ảnh: LONG VĨNH

Đến thời điểm này đã có thể khẳng định Toyota đã chấm dứt, không còn tài trợ chính cho giải bóng đá VĐQG chuyên nghiệp V-League, khi 2 bên hết hạn hợp đồng sau mùa giải 2017. Nguyên nhân việc Toyota và VPF đường ai nấy đi thì có nhiều, nhưng tựu trung cũng vì lý do không tìm được tiếng nói chung trong việc gia tăng tổng giá trị tài trợ cho mùa bóng mới V-League 2018. Đáng chú ý, giải VĐQG chuyên nghiệp của Thái Lan (Thai - League) được Toyota ký hợp đồng với mức tài trợ cao hơn (lên đến 6,5 triệu USD/mùa, trong khi V-League chỉ nhận được 1,76 triệu USD/mùa) và kéo dài (từ 2017 đến tận 2020). Quan trọng hơn, đến thời điểm này, khi mùa giải mới chỉ còn khoảng 70 ngày nữa sẽ chính thức khởi tranh, Công ty VPF vẫn còn đang loay hoay đàm phán, tìm nhà tài trợ chính cho V-League 2018.

Đương nhiên, không có Toyota thì sẽ có các thương hiệu khác nhảy vào tài trợ chính cho V-League, giải đấu mà ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPF khẳng định rằng “thương hiệu V-League vô cùng giá trị”. Tuy nhiên, vấn đề là mức giá tài trợ cho V-League 2018 sẽ là bao nhiêu, có vượt qua được “giá trần” tại V-League 2017 mà Toyota đã “áp” và sau đó 2 bên không tìm được tiếng nói chung? Theo thông tin của chúng tôi, V-League đang nhận được sự quan tâm của một số thương hiệu có tiếng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và cả một số đối tác là các doanh nghiệp trong nước. Chắc chắn đây sẽ là nhiệm vụ hết sức khó khăn cho ông Trần Anh Tú và các thành viên của mình trong Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc.

Đã có những ý kiến cho rằng, có khi cần phải chấp nhận sự chuyển tiếp, thậm chí là bước lùi ở mùa giải V-League 2018 về giá trị tài trợ. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ VFF và VPF cần phải tiến hành một loạt các giải pháp căn cơ để cải thiện hình ảnh và giá trị thương hiệu của V-League để những mùa giải sau các nhà tài trợ phải “săn đón” mới được tài trợ cho giải đấu đỉnh cao xứ Việt, thay vì tình trạng nhà tổ chức phải chạy theo nhà tài trợ như hiện nay.

Một trong những giải pháp mà người hâm mộ và giới quan sát cho rằng, các nhà tổ chức cần nhanh chóng áp dụng là nới rộng quy định về số lượng cầu thủ ngoại được thi đấu cho CLB ở V-League 2018. Hiện tại, giải VĐQG Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều áp dụng quy định mỗi CLB được sử dụng 5 ngoại binh, trong đó có 1 cầu thủ có quốc tịch thuộc khu vực Đông Nam Á, 1 cầu thủ thuộc quốc tịch châu Á. Việc có nhiều ngoại binh trình độ cao, nhất là áp dụng quy định có 2 cầu thủ gốc Đông Nam Á - châu Á thi đấu ở V-League sẽ giúp cải thiện chất lượng chuyên môn của giải, lôi kéo nhiều khán giả đến sân hơn. Đồng thời, hình ảnh, giá trị thương hiệu của giải qua truyền thông cũng lan tỏa sâu rộng hơn, ít nhất là đến các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á và châu Á - nơi có các cầu thủ ngoại đến V-League tranh tài.

Vấn đề quan trọng thứ hai cần phải giải quyết dứt điểm là chấm dứt ngay tình trạng một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng, như đã từng tồn tại suốt nhiều năm qua. Trong trường hợp cần thiết, người hâm mộ vẫn sẵn sàng đón nhận V-League 2018 chỉ thi đấu với 6 -8 đội, hơn là 14 đội mà trong đó có đến 5 - 6 đội là “người một nhà” với nhau. Thứ ba, VPF cần mạnh tay cải tổ công tác trọng tài, đặt sự công tâm, chất lượng trận đấu lên hàng đầu, nói không với những hành vi tiêu cực, bạo lực sân cỏ, phản cảm trong thể thao. Nếu làm được những điều này càng sớm, chúng tôi tin rằng V-League sẽ thật sự có giá trong mắt các nhà tài trợ và mang về những bản hợp đồng giá trị, cao hơn cả V-League 2017.

CHÍ THANH