Giải bài toán khó trong phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ ba, ngày 24/12/2024

(BDO) Bình Dương hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) chủ động tham gia, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Cần sự chủ động 

Ngành công thương nhận định Việt Nam, Bình Dương tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn, là trung tâm sản xuất mới ở châu Á. Do đó, việc chủ động tham gia, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu là điều cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và DN. 


Đổi mới các quy trình sản xuất ngành gỗ tại Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất gỗ Tân Nhật (TP.Tân Uyên)

Thực tế hiện nay, việc liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh vẫn là bài toán khó đối với các DN nói riêng và cả nước nói chung. Tỉnh Bình Dương nỗ lực tìm ra giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn về công nghệ, chi phí đầu tư phát triển chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh tại các DN, khu công nghiệp trên địa bàn.

Ông Jesper Hassellund Mikkelsen, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách sản xuất châu Á và Tổng Giám đốc Lego Manufacturing Vietnam nhận xét việc liên kết chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu không phải là việc quá khó. Khi làm việc với các nhà thầu địa phương về việc cung ứng vật liệu, cung ứng dịch vụ, Tập đoàn Lego cũng sẽ đưa ra một số tiêu chí để xem xét và lựa chọn nhà thầu như: chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các tiêu chuẩn an toàn của các nhà cung ứng, thời gian cung ứng cũng như thời gian sản xuất của nhà thầu và giá cả. Và tiêu chí cũng rất quan trọng nữa mà Tập đoàn Lego rất quan tâm đó là tiêu chí về phát triển bền vững. 

Phía Tetra Pak cho thấy nhiều dấu ấn trên hành trình phát triển bền vững. Khoản đầu tư 1,2 triệu euro vào Công ty giấy Đồng Tiến đã giúp Đồng Tiến nâng cao chất lượng nguyên liệu tái chế và tăng công suất tái chế lên gấp đôi, gần 17.000 tấn/năm. Ngoài ra, 339 tấn vỏ hộp giấy đã được thu gom cho tái chế nhờ sáng kiến hợp tác với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), thúc đẩy hoạt động thu gom thông qua mô hình thu mua ở khu vực phía Nam. 

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, các DN trong nước cần phải xem xét thực trạng hiện nay để khắc phục những điểm yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu. Trước tiên, để trở thành đối tác, cần phải cải thiện đáng kể sự liên kết giữa các DN, nhất là DN trong nước với nước ngoài, sau nữa mới đến trình độ sản xuất, công nghệ và định hướng phát triển xanh theo đúng xu thế mà các đối tác yêu cầu. Các DN cần tập trung mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm phát thải, gắn với việc phát huy trách nhiệm xã hội của DN. 

“DN cần chủ động vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn của DN FDI. Theo đó, DN cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được yêu cầu đặt hàng của các DN FDI. DN trong nước cần ứng dụng khoa học, công nghệ mới, tận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị DN”, ông Toàn nhấn mạnh.


Các đối tác Việt Nam trên công trường xây dựng Công ty TNHH Lego Việt Nam

Yêu cầu xanh là thiết yếu

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương cho rằng việc chuyển đổi xanh của DN trong chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh là theo xu hướng của thế giới, nhằm đáp ứng các tiêu chí của khách hàng, hướng tới mục tiêu chung tay triển khai chiến lược xanh hóa quốc gia. Khách hàng của DN trong nước hiện nay là các DN FDI, yêu cầu về xanh và thông minh là thiết yếu. Khi chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh thì DN trong nước càng phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

 Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, cần giải quyết những bài toán cơ bản mà ngành đang đối mặt, trong đó gồm nguồn gỗ nguyên liệu. Để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững chỉ có con đường liên kết, tiến đến phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn; đồng thời, quy hoạch vùng nguyên liệu, chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng địa lý, ưu tiên phát triển nguyên liệu gỗ trang trí bề mặt sản phẩm vì Việt Nam đang rất thiếu và phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người dân, mang đến cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mang lại nguồn nguyên liệu chủ động và hiệu quả cho DN.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Bình Dương cũng có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm con người đóng vai trò quan trọng; trong đó có chính sách vốn linh hoạt để giúp DN phát triển, đầu tư và ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ thông minh. Tỉnh cũng mong muốn các DN FDI thực hiện tính chất bền vững không chỉ được phản ánh ở khía cạnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích lâu dài giữa các DN.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, VCCI chú trọng vào các hoạt động liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng DN bằng cách tổ chức nhiều chương trình diễn đàn, hội thảo...để chia sẻ kinh nghiệm cũng như vận động và hỗ trợ các DN chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng và uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. 

Ngoài ra, VCCI cũng có chương trình phát triển hiệp hội DN địa phương. Mặt khác, VCCI cũng tổ chức rất nhiều các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ DN tiếp thị thương hiệu của sản phẩm, DN tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

“Các DN cần rút ra những bài học trước các biến động trong chuỗi cung ứng đã xảy ra như hồi năm 2023, nhất là các DN trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực vẫn còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước, dẫn tới vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất. Và khi có biến động lại dẫn đến bị động về nguồn cung nguyên liệu, giá cả tăng cao”. 

(Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-Hồ Chí Minh)

Tiểu My- Cẩm Tú