Giá xăng dầu giảm và nghịch lý thị trường cuối năm

Thứ sáu, ngày 23/01/2015

Cùng với xu hướng giảm giá xăng dầu trên thế giới, trong những ngày qua, giá xăng dầu trong nước đã có mấy lần điều chỉnh giảm. Cụ thể, mới đây nhất, giá xăng A92 đã giảm xuống còn 15.677 đồng/lít, dầu diesel cũng giảm còn 15.179 đồng/lít, dầu hỏa giảm còn 15.620 đồng/lít, dầu mazut giảm còn 11.856 đồng/kg. Việc giảm giá xăng dầu trong dịp cuối năm này cứ tưởng sẽ mang đến tín hiệu vui dành cho người tiêu dùng bởi khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp vận tải sẽ giảm giá thành sản phẩm, giá cước dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời gian giá xăng dầu giảm, niềm vui vẫn chưa đến được với người tiêu dùng.

(BDO)

Nghịch lý thị trường có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trước đây, mỗi khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải ngay lập tức điều chỉnh tăng giá cước vận tải. Vậy nhưng, thời gian qua, khi giá xăng dầu liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn không chịu giảm giá cước. Điều này đã kéo theo việc chi phí vận tải hàng hóa không giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cũng vin vào đó để không giảm giá thành các sản phẩm. Người tiêu dùng vì thế thiệt đơn, thiệt kép bởi vừa phải trả chi phí đi lại không hợp lý, lại vừa phải mua hàng hóa với giá cao trong bối cảnh lẽ ra phải giảm.

Trước thực tế này, “cây đũa thần” - công cụ điều tiết của nhà nước đối với thị trường cũng đã được sử dụng. Mới đây nhất, ngày 21-1, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và UBND các địa phương yêu cầu doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành để khẩn trương giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá cước vận tải. Trường hợp các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý phạt nghiêm.

Tuy nhiên, thực tế thị trường cuối năm vẫn đang tồn tại nghịch lý. Cụ thể, giá vé tàu xe về tết đang dần bước vào giai đoạn “sốt” vé, tăng giá xình xịch.Trong khi cước vận tải chưa được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm theo đúng diễn biến của giá xăng dầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí đối với nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán còn đang có xu hướng leo thang!

Thiết nghĩ, để giải quyết nghịch lý thị trường cuối năm, “cây đũa thần” quản lý nhà nước cần phải được sử dụng hiệu quả hơn. Đành rằng, dịp cuối năm, tình trạng “sốt”, tăng giá vé thường diễn ra nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mà giá vé xe về tết vào những ngày cuối năm tăng đến gấp rưỡi, gấp đôi so với những ngày thường là khó có thể chấp nhận được.

ĐÀM THANH