Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD

Thứ tư, ngày 29/12/2021

(BDO) Sáng 29-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2021; triển khai kế hoạch năm 2022. Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Trong năm 2021, ngành NN&PTNT đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Dương

Trong năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra; tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%... 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT phấn đấu tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp đạt trên 3%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD. Bộ NN&PTNT cần phải coi trọng xây dựng chiến lược và quy hoạch để ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, dựa vào ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với việc gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm của ngành nông nghiệp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tập trung đầu tư vào chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp... 

Thoại Phương