Giá trị vĩnh hằng của bản Tuyên ngôn độc lập

Thứ sáu, ngày 29/08/2014
Ngày 27-8-1945, trong cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng và tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi đề nghị đầu tháng 9 này Chính phủ ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi đã chuẩn bị. Xin đưa bản thảo để các vị xét duyệt. Đề nghị duyệt kỹ, vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe”.

(BDO)  

 
  Ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ảnh: TƯ LIỆU


 Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lời nói của Người trang trọng, trầm ấm vang lên trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Người khẳng định: “Một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập…”. Người tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy…”. Lời tuyên ngôn hùng hồn, khẳng định quyền bất khả xâm phạm và ý chí quật cường vì độc lập của dân tộc ta, mở đầu trang sử vàng lịch sử bất diệt cho nền độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

69 năm trôi qua, đọc lại Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch, chúng ta vẫn cảm nhận và khám phá ra những tiềm ý sâu xa, thâm thúy ẩn chứa đằng sau phong cách viết giản dị của một con người mang nhân cách lớn, với tầm nhìn chiến lược. Tuyên ngôn độc lập - văn kiện bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được mở đầu bằng hai câu trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa ban cho họ quyền không ai có thể xâm phạm. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Ngay sau câu dẫn luận đó là một câu khác được trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp trong cuộc cách mạng năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn tự do, bình đẳng về quyền lợi”.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi một “văn kiện” có tầm quan trọng đặc biệt, công bố sự ra đời của Nhà nước công-nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, công bố nền độc lập của một dân tộc vừa trải qua hơn 80 năm nô lệ, lại được mở đầu bằng những câu như vậy! Càng không phải ngẫu nhiên khi cả hai câu trích dẫn duy nhất ấy trong tác phẩm này lại là hai câu văn của chính người Pháp và người Mỹ! Ở vào thời điểm lịch sử đó, thực dân Pháp đã và đang là mối đe dọa trực tiếp nền độc lập, chủ quyền của nhân dân Việt Nam; còn Mỹ, chỉ hơn 10 năm sau đó đã khiến nhân dân ta phải tiến hành một cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Bằng nhãn quan chính trị thiên tài và tầm nhìn chiến lược, Hồ Chủ tịch đã nhìn nhận rất rõ điều ấy. Việc lấy hai câu trích được coi là “bất hủ - khuôn thước” của người Pháp, người Mỹ làm hai câu dẫn luận quả là sâu sắc. Chính Người muốn dùng cái “chân lý cao cả” để làm vũ khí sắc bén chống lại chính kẻ thù, buộc kẻ thù phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, Người rất thấu hiểu triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc: “Kỷ sở bất dục, vật thị ư nhân” (điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đây cũng chính là lời đáp từ của Người với Chủ tịch Hội đồng nội các Pháp Bi-dôn tại buổi tiệc chiêu đãi Người vào ngày 2-7-1946, nhân chuyến Người được mời sang Pháp với tư cách là thượng khách của nước Pháp.

Có thể nói, độc lập - chủ quyền - tự do của dân tộc là ý tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn độc lập. Đó cũng chính là mục đích lớn nhất trong sự nghiệp làm cách mạng của Người. Dù trước hay sau, Người vẫn luôn trăn trở, luôn tìm mọi cách để khẳng định quyền mà hiển nhiên người Việt Nam phải được hưởng. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, các thế lực thực dân, đế quốc không dễ gì chấp nhận một nước Việt Nam độc lập. Ngược lại, chúng đang muốn tìm cách tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của Việt Nam. Vì thế, không những trong tuyên ngôn, ngay cả trong những bài viết, bài nói chuyện sau này, Người luôn muốn dùng chính câu khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà kẻ thù đang lợi dụng, rêu rao cho cái công cuộc được gọi là “Khai hóa văn minh” để khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc. Tại cuộc nói chuyện với Ủy ban Trung ương Hội Pháp- Việt ngày 11-7-1946, Người nói: “Nước Pháp của cuộc cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng đã tượng trưng hơn bao giờ hết cho lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu, giành độc lập chỉ là theo lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người đi tiên phong”…

Sau Cách mạng Tháng Tám, dù đây là cuộc cách mạng long trời lở đất, nhưng thế giới vẫn chưa biết nhiều đến một nước Việt Nam độc lập thật sự. Uy tín và ảnh hưởng của dân tộc ta trên trường quốc tế chưa được khẳng định. Chính vì vậy, nhiệm vụ cần kíp lúc bấy giờ là phải làm sao công bố cho toàn thế giới biết Việt Nam đã độc lập - một nền độc lập thực sự giành được từ tay phát xít Nhật, kẻ thù chung của cả nhân loại và quân đội đồng minh. Nhà nước non trẻ Việt Nam cần phải có được chỗ dựa pháp lý quốc tế vững chắc để tồn tại trong tình thế vô cùng phức tạp. Việc trích dẫn hai câu văn trong bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ để mở lời công bố nền độc lập cho dân tộc Việt Nam đã thể hiện rõ tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này nhằm tạo một “hành lang pháp lý” trong dư luận quốc tế, bảo đảm những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chúng ta cần sự hậu thuẫn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia hùng mạnh như Anh, Pháp, Mỹ… Tuy nhiên trớ trêu thay, chính những quốc gia này, từng ký bản Hiến chương Sanfranxico (6-1945) lại là những nước đang cố tình tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng và nền độc lập của người Việt Nam… Lẽ dĩ nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận thấu đáo được vấn đề đó. Vì vậy, ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, Người muốn tất cả các nước phải hiểu một điều rằng: Việc nhân dân Việt Nam được hưởng quyền độc lập tự do; việc thừa nhận nền độc lập, tự do ấy, cũng như việc không có nước nào có quyền can thiệp vào nội bộ của dân tộc Việt Nam là lẽ hiển nhiên theo đúng tinh thần Hiến chương Sanfranxico mà chính các nước này đã ghi nhận…

Từ chân lý của bản Tuyên ngôn độc lập, Đảng ta đã phát huy sáng tạo trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, chân lý của bản tuyên ngôn cùng với tư tưởng vĩ đại của Người vẫn luôn soi đường cho cách mạng Việt Nam giành được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 CHU NAM HẢI (Trường Đại học Ngô Quyền)