Giá trị trường tồn của Chủ nghĩa Marx với cách mạng thế giới
(BDO)
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 4/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Karl Marx và ý nghĩa thời đại.”
Hội thảo nhằm khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng trong di sản tư tưởng của Karl Marx; khẳng định ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của Chủ nghĩa Marx đối với cách mạng thế giới và Việt Nam; đồng thời góp phần làm rõ thêm những điểm cần bổ sung, phát triển tư tưởng Karl Marx trong thời đại ngày nay.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh cách đây 200 năm, ngày 5/5/1818, Karl Marx, một nhân cách vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã chào đời tại Trier, Vương quốc Phổ.
Karl Marx nổi bật về trí thông minh và lòng vị tha, yêu thương con người; đức tính giản dị và tấm lòng nhiệt huyết; ý chí vươn lên và năng lực lao động phi thường; lòng can đảm và sự khoan dung, độ lượng. Cuộc đời và những di sản tư tưởng của Marx đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí kiệt xuất trong hàng ngũ những vĩ nhân.
Trong di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của Karl Marx, công lao to lớn và đầu tiên là ông đã xây dựng một thế giới quan, phương pháp luận mới, khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ, nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Theo đó, Karl Marx đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các quy luật phát triển của xã hội loài người được phát hiện, tích hợp và trình bày trong một hệ thống các quy luật: quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, chứ không phải ngược lại; kinh tế, xét đến cùng, quyết định chính trị; sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội như một quá trình lịch sử-tự nhiên. Nhờ vậy, lần đầu tiên nhân loại có một học thuyết phát triển tương đối hoàn chỉnh.
Vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Karl Marx đã vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhìn nhận chủ nghĩa tư bản trong cả quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó.
Một trong hai phát kiến vĩ đại của Karl Marx là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư được ví như “hòn đá tảng” trong toàn bộ học thuyết của Marx. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật cơ bản, phổ biến của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Marx chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với tính tư nhân tư bản chủ nghĩa của việc chiếm hữu tư liệu sản xuất. Để tồn tại và vượt qua các cuộc khủng hoảng, các cú sốc trong sự phát triển, chủ nghĩa tư bản luôn phải tự điều chỉnh để điều hòa mâu thuẫn này. Điều đó cho thấy phát kiến vĩ đại của Karl Marx luôn đúng, ngay cả khi chủ nghĩa tư bản hiện đại bước vào thời đại toàn cầu hóa và chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Karl Marx đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học-học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.
Quang cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Marx vào điều kiện lịch sử cụ thể ở nước Nga, V.I.Lenin đã bổ sung, phát triển, tạo nên giai đoạn Lenin trong sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx và hình thành nên chủ nghĩa Marx-Lenin, làm nên thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.
Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cách mạng thành công, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nỗ lực xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước. Việt Nam từ một nước có trình độ kinh tế-xã hội lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng cao.
“Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới, một lần nữa khẳng định sức sống bền vững của chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Marx cùng với chủ nghĩa Marx-Lenin đã, đang và sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới,” Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Tham luận tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Bun Thưa Khưa Mi Say, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Lào cho rằng lý luận Marx là hệ thống hoàn chỉnh, vững chắc nhất, chứng minh sự nghiệp giải phóng loài người là thống nhất với sự nghiệp giai cấp công nhân; coi giải phóng giai cấp công nhân là trọng tâm của sự nghiệp giải phóng nhân loại.
Với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, kể từ khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập, Đảng đã coi Chủ nghĩa Marx-Lenin là nền tảng tư tưởng lý luận của mình, coi con đường xã hội chủ nghĩa độc lập quốc gia gắn với chủ nghĩa xã hội; nhất quán lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng và nhân dân, là kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Lào, đưa đất nước Lào tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống nhân dân Lào. Từ đó có thể khẳng định việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tiễn mang tính khách quan, có ý nghĩa sống còn với sứ mệnh của đất nước.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận của các nhà khoa học, trong đó có 26 tham luận của các nhà khoa học quốc tế. Tham luận của các nhà khoa học đã khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng trong di sản tư tưởng của Karl Marx; đặc biệt là chủ nghĩa duy vật biện chứng; chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết giá trị thặng dư.
Các nhà khoa học đặc biệt nhấn mạnh sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nhờ vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx, các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đã đạt được những thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, qua đó khẳng định tính đúng đắn và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay./.
Theo TTXVN