Giá thực phẩm tăng, giải pháp nào kiềm chế?
(BDO) Trong những ngày gần đây, giá cả một số mặt hàng có xu hướng tăng, các cơ quan chức năng đang áp dụng nhiều biện pháp để quản lý, điều chỉnh, kiềm chế đà tăng giá…
Mưa bão khiến giá rau củ quả tăng mạnh những ngày qua. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua rau củ quả tại chợ hàng bông Phú Hòa
Tăng giá đều
Ảnh hưởng của mưa bão liên tục khiến nhiều diện tích trồng rau tại các khu vực cung cấp rau củ quả ngập úng, gây hư hỏng, các loại rau đang bày bán tại các chợ truyền thống đều tăng giá từ 10%, thậm chí có loại tăng 50%. Một tiểu thương tại chợ hàng bông Phú Hòa, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết giá nhiều loại rau về chợ tăng do mưa bão, rau bị dập nát, hư hỏng nhiều nên hầu hết đều tăng lên vài ngàn đồng/kg. Trong đó, giá tăng mạnh nhất là các loại rau củ quả có nguồn gốc từ Đà Lạt, tăng trung bình 5.000 đồng/kg. Cụ thể, xà lách Pháp, tầng ô 35.000 đồng/kg; bắp cải tròn 20.000 đồng/kg; cải bó xôi 45.000 đồng/kg... Tại chợ Lái Thiêu, bắp cải trắng được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/ kg; khổ qua 18.000 - 25.000 đồng/kg; xà lách Pháp 40.000 đồng/kg. Tại các siêu thị như Big C, Vinmart, Co.opMart… cũng trong tình trạng tương tự. Tại siêu thị Co.op Mart chợ Đình, giá bông cải trắng 53.500 đồng/kg; xà lách giống Mỹ 50.500 đồng/kg, rau hỗn hợp 79.500 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân rau củ quả đứng ở mức cao, nhân viên siêu thị Big C Bình Dương, cho biết giá rau tăng trong những ngày qua trước hết là do tình hình thời tiết năm nay có phần khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, khiến rau phát triển chậm hoặc năng suất không cao. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nguồn cung không nhiều, sản lượng giảm nên giá thành tất cả các loại rau xanh đều tăng giá.
Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng duy trì ở mức cao. Trong đó, thủy hải sản như tôm, mực có xu hướng tăng giá thêm 5.000 đồng/kg vào những ngày cuối tuần. Hiện giá heo hơi có giảm nhẹ 2.000 đồng/kg (92.0000 đồng/ kg) so với tháng trước, song giá bán lẻ vẫn duy trì mức cũ, từ 180.000 - 240.000 đồng/ kg (sườn non), tùy loại. Gà ta sống 120.000 đồng/kg; gà tam hoàng làm sẵn nguyên con giá 75.000 đồng/kg; thịt bò thăn giá 300.000 đồng/kg. Riêng thịt gà công nghiệp giảm nhẹ 5.000 đồng/kg, ở mức 65.000 đồng/kg do sức mua thấp. Số liệu thống kê của Sở Tài chính Bình Dương cũng cho thấy trong tháng 7, mặt hàng rau củ quả tiếp tục tăng giá từ 5,56% - 30%. Cùng lúc đó, giá cá lóc ruộng tăng nhẹ 1%, ở mức 220.000 đồng/kg; cá lóc nuôi 75.000 đồng/kg…
Nỗ lực kiềm chế
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng 6. Tính chung, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2020 ở mức 4,07% so với cùng kỳ năm 2019. Công bố thông tin này, Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến CPI cả nước tăng theo giá xăng dầu thế giới, nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng vừa qua. Còn theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, giá của nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng đều trong xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá thịt heo đã kéo theo giá cả, lạm phát tăng thêm. Từ đó, khiến chỉ số CPI vượt mục tiêu kiềm chế 4% như đã đề ra từ đầu năm 2020. Vì vậy, nhiều giải pháp đang được các địa phương triển khai để kiềm chế đà tăng CPI .
Tại Bình Dương, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, cho biết việc khống chế đà tăng giá thịt heo, kết hợp kéo giảm giá thực chất là xác lập sự cân bằng trong quan hệ cung cầu đối với mặt hàng rất nhạy cảm này. Hoạt động nhập thịt heo sống chưa thể bù đắp nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa vấn đề này đòi hỏi phải có đủ thời gian để tái đàn, cho những lứa heo mới. Vì vậy, hiện nay ngoài các công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang được thực hiện tốt, ngành cũng đang tăng cường kiểm tra việc giết mổ trái phép, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc ra vào tỉnh. Bên cạnh đó, ngành đang tập trung theo dõi, tập trung đẩy nhanh việc tái đàn, khôi phục đàn heo nhằm tăng cường và ổn định nguồn cung cho thị trường.
Ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương, cho biết đơn vị tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh, vận chuyển, lưu trữ các sản phẩm động vật nhằm góp phần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, hạn chế tình trạng bán quá giá niêm yết, ngộ độc thực phẩm, sử dụng thực phẩm quá hạn, kém chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
TRÚC HUỲNH