Giá thịt heo vẫn chưa giảm, giải pháp nào?

Thứ tư, ngày 17/06/2020

(BDO) Một tuần trở lại đây, giá heo hơi tại các địa phương trên cả nước bắt đầu giảm. Trong đó, tại một số địa phương đã trở lại được mức giá dưới 90.000 đồng/kg, song giá thịt heo bán lẻ tại các chợ vẫn “bình chân như vại”. Giải pháp nào để ổn định giá thịt heo thực sự đang là bài toán khó.

 Giá thịt heo tăng phi mã bởi yếu tố mất cân đối cung cầu. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một

 Tiêu thụ chậm

Trái ngược với xu hướng giá thịt heo hơi giảm mạnh trên thị trường, tại các chợ truyền thống mặt hàng này vẫn giữ giá cao, nhất quyết không giảm dù tiêu thụ chậm. Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An giá thịt heo vẫn dao động từ 150.000 - 240.000 đồng/kg, tùy loại, tùy người bán. Cụ thể, thịt heo đùi giá 150.000 đồng/ kg; ba rọi rút sườn, sườn non 200.000 - 240.000 đồng/kg…

“Giá cao, thịt heo bán rất chậm”, chị Châu, tiểu thương quầy thịt heo tại chợ Lái Thiêu, TP.Thuận An kêu ca. Theo chị, lượng thịt heo bán ra ngày càng giảm, nhiều gia đình cắt bớt khẩu phần thịt heo, thời tiết oi nóng nên người dân không mặn mà với món thịt heo. Bà Châu cho hay, khi giá thịt heo bán lẻ còn ở mức 80.000 - 120.000 đồng/ kg, tùy loại, mỗi ngày bà tiêu thụ khoảng 4 con heo móc hàm. Tổng lượng thịt bán ra khoảng 400 kg. “Vừa bỏ sỉ, bán lẻ khi có thịt vụn cũng được người dân mua hết sạch. Thế nhưng, từ khi giá thịt heo tăng lên mức cao, lượng thịt heo bán ra giảm dần đều”, bà Châu nói. Thời điểm đầu năm, bà bán hết 2 con heo móc hàm trong buổi sáng, giờ ngồi đến quá trưa bán vẫn rất ế.

Tương tự, chị Mười, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một cũng thừa nhận thịt heo đang ế chưa từng có. Hiện lượng thịt heo bán ra mỗi ngày giảm còn 2/3 so với cuối năm ngoái. “Trước kia, có người ngày nào cũng qua sạp hàng tôi mua thịt heo. Bây giờ thì đa phần khách 3 - 4 ngày mới mua, lượng thịt mua cũng giảm đi. Thậm chí có người cả tuần, 2 tuần mới mua khoảng nửa ký thịt”, chị Mười chia sẻ.

Giải pháp nào để giảm giá?

Giải thích vì sao giá thị heo trên thị trường liên tục tăng cao, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương, cho biết dịch tả heo châu Phi diễn ra từ năm 2019 đến nay vẫn hết sức phức tạp khiến nhiều địa phương trong cả nước không tái đàn kịp do khan hiếm con giống, đẩy giá giống lên cao. Hơn nữa, chi phí đầu tư chăn nuôi ngày càng tăng cao do mất nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh khiến việc tái đàn gặp trở ngại. Trong khi đó, tình hình chăn nuôi gặp rủi ro cao, áp lực dịch bệnh khiến người nuôi ngán ngại. Từ những yếu tố trên nguồn cung khan hiếm dẫn tới giá thịt heo trên thị trường tăng phi mã… Còn hiện nay, giá heo hơi giảm mạnh là do ngành chức năng cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan với giá rẻ hơn. Tuy vậy, việc nhập heo sống mới chỉ góp một phần vào ổn định giá heo hơi, chưa đủ sức để giảm giá thịt heo trên thị trường vào thời điểm này.

Trước tình hình trên, Chính phủ đề nghị doanh nghiệp phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành triển khai biện pháp bình ổn giá nhưng giá thịt heo vẫn đứng ở mức cao. Bài toán đặt ra là làm gì để đưa thịt heo về đúng giá trị thực, vừa bảo đảm lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, vừa bình ổn thị trường giá cả? “Để làm được điều này, trước hết người tiêu dùng phải bày tỏ quan điểm của mình bằng việc đa dạng hóa thực phẩm, chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm thay thế, từ đó giảm tiêu thụ thịt heo, nhất là thịt heo nóng. Một khi người dân giảm thói quen sử dụng thịt heo nóng, chuyển sang ăn thịt heo nhập khẩu và thực phẩm khác như bò, gà, cá… thì giá thịt heo không thể neo mãi mức cao”, ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương nói. Theo ông Hồ Văn Bình, việc thay đổi thói quen không thể diễn ra nhanh và việc kiểm tra các khâu gây bất ổn trong giá thịt heo vẫn cần nhiều thời gian. Và giải pháp nhập thịt heo sống để hạ giá thịt heo cũng chỉ là tạm thời. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là khâu tái đàn dù việc này không hề đơn giản.

Về giải pháp lâu dài để bình ổn giá thịt heo, theo ông Trần Phú Cường, căn cứ theo tình hình hình thực tế, có thể đến cuối năm 2020 giá thịt heo sẽ trở lại mức chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có các yếu tố hỗ trợ khác như các tỉnh cần tiếp tục tái đàn có kiểm soát, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là vào mùa mưa, tăng mạnh nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, chú trọng con giống chất lượng, bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, không có mầm bệnh để tái đàn, tăng đàn heo đạt hiệu quả cao. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các trang trại, doanh nghiệp trong nước tái đàn, ổn định sản xuất. Qua đó, tạo sự cạnh tranh, không lệ thuộc vào các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng theo ông Cường, cần định hướng để phối hợp hình thành chuỗi cung ứng. Từ đó, có thể giải quyết đồng bộ, xây dựng các chuỗi sản xuất - giết mổ - sơ chế - đóng gói - phân phối - tiêu thụ… Nếu làm tốt và đồng bộ các khâu trên thì ngành chăn nuôi heo mới có cơ hội tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất, nhà cung ứng và người tiêu dùng.

 THANH HỒNG