Gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong người lao động

Thứ bảy, ngày 09/01/2021

(BDO) Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, số ca nhiễm mới HIV là người ngoài tỉnh ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt trong nhóm quan hệ đồng tính nam. Đây đang là những thách thức lớn cho Bình Dương tiến tới mục tiêu thiên niên kỷ chấm dứt dịch bệnh AIDS.

 Tỷ lệ nhiễm HIV trong công nhân lao động và trong nhóm tình dục đồng tính nam đang gia tăng

Độ tuổi nhiễm ngày càng trẻ hóa

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết kết quả giám sát trọng điểm qua các năm cho thấy dịch bệnh HIV trên địa bàn tỉnh so với những năm trước có xu hướng chững lại nhưng đối mặt với nhiều thách thức. Dịch HIV/ AIDS xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị, thành phố và có xu hướng ngày càng lan rộng về địa bàn xã, phường, kể cả vùng xa. Trong 9 huyện, thị, thành phố thì các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và TP.Dĩ An số ca nhiễm mới giảm. TP.Thuận An, TX.Tân Uyên số ca nhiễm mới tăng nhiều.

Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV không còn tập trung trong một số nhóm có nguy cơ cao, mà đang có xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi thanh niên, nhất là nhóm tình dục đồng tính nam (MSM) trẻ tuổi. Số ca nhiễm HIV mới là người Bình Dương ngày càng giảm, số ca nhiễm mới là người ngoài tỉnh ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2016, số ca nhiễm HIV mới người Bình Dương là 127 ca và 176 ca người ngoài tỉnh nhưng đến tháng 9-2020 số ca nhiễm HIV mới là người Bình Dương còn 115 ca và tăng nhanh số ca nhiễm mới HIV là người ngoài tỉnh với 502 người được phát hiện.

Hiện nay, Bình Dương có hơn 1 triệu công nhân lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp nhưng số người lao động được tiếp cận với những kiến thức phòng, chống HIV/ AIDS vẫn còn hạn chế. Có nhiều trường hợp công nhân bị nhiễm HIV nhưng lo sợ bị sa thải bằng nhiều lý do khác nhau, sợ bị phân biệt đối xử, hoặc kỳ thị. Trường hợp của chị N.T.T., công nhân may KCN Đồng An là một điển hình. Chị T. sợ đồng nghiệp xa lánh, bị đuổi việc nên không muốn mọi người biết chị nhiễm HIV. Vì vậy, mỗi lần đi điều trị (lấy thuốc, thăm khám), chị phải viện nhiều lý do khác nhau như: con bệnh, chồng đi viện, ốm đau… để xin công ty cho nghỉ.

Ông Huỳnh Thanh Hà cho biết thêm: “Đứng trước tình hình gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ở nhóm có nguy cơ cao, công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh tại các khu công nghiệp. Bởi có nâng cao được nhận thức cho công nhân lao động tại nơi làm việc, nơi cư trú mới góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS cần vượt qua mặc cảm, không tự kỳ thị bản thân để sớm phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận với điều trị thuốc kháng vi rút HIV”.

Gia tăng tỷ lệ nhiễm trong nhóm quan hệ đồng tính nam

Số liệu thống kê trong năm 2020, tỷ lệ MSM trên tổng số dương tính HIV mới được phát hiện chiếm hơn 70%. Xu hướng bệnh lây qua đường tiêm chích ma túy ngày càng giảm, nhưng lây qua đường quan hệ tình dục tăng cao, nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới. Trong khi đó, ở nhóm này, nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục cao gấp nhiều lần so với các đối tượng khác. Tuy nhiên, do tâm lý sợ bị kỳ thị nên nhiều MSM sống khép kín, không dám bộc lộ cũng như không dám tiếp cận với các dịch vụ y tế để xét nghiệm HIV. Đã có nhiều trường hợp làm xét nghiệm HIV, nhưng khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì bị mất liên lạc, nhất là rơi vào các trường hợp là công nhân, người lao động, một số ít là học sinh, sinh viên.

HIV/AIDS hiện lànguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Dịch HIV/ AIDS đang có xu hướng giảm nhưng hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV hiện nay ở nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng. Trong nhóm này, nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở người trẻ tuổi có hành vi không an toàn như: Ít sử dụng bao cao su, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người…

Mặc dù thời gian qua Bình Dương đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, hoạt động phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là sự kỳ thị, tự kỳ thị còn cao trong cộng đồng; nhiều người dân thiếu thông tin nên còn chủ quan với dịch bệnh, dẫn tới những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm chưa tiếp cận được các dịch vụ dự phòng. Trong khi đó, nguồn kinh phí viện trợ hiện đang cắt giảm nhanh, các nguồn ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế chưa kịp bù đắp sự thiếu hụt tài chính. Do đó, với các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó định mức chi cho một số hoạt động khó tạo động lực cho triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng do không khuyến khích các đồng đẳng viên đi lại nhiều lần để tiếp cận với những người có nguy cơ cao...

 Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng cần tăng cường hơn nữa cam kết đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, triển khai các hoạt động theo 11 giải pháp trong Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả và tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

 KIM HÀ