Gia tăng giá trị sản phẩm từ nhãn hiệu tập thể
(BDO) Năm 2016, UBND huyện Dầu Tiếng đã quyết định phê duyệt triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt Dầu Tiếng”. Thực hiện dự án nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho người dân trồng măng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu hội nhập vào thị trường thế giới.
Nông dân Thanh Tuyền nỗ lực xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng nhằm nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm
Hiệu quả kinh tế
Trước đây, người dân huyện Dầu Tiếng đa phần trồng cây cao su với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, thời gian qua giá cao su bấp bênh, nhiều người đã chuyển đổi mô hình sản xuất sang trồng cây măng cụt, được đánh giá cho thu hoạch cao hơn về năng suất và chất lượng. Minh chứng cụ thể như thông qua hội thi trái cây ngon, an toàn Nam bộ diễn ra hàng năm, măng cụt Dầu Tiếng đã đạt giải III năm 2013, 2014; giải II, III và khuyến khích năm 2015, 2018. Xã Thanh An đạt giải nhất măng cụt 2014. Những giải thưởng trên đánh dấu thành quả lao động và sự học hỏi không ngừng của người trồng cây măng cụt tại địa phương.
Từ hiệu quả cây măng cụt mang lại, UBND huyện Dầu Tiếng đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây măng cụt tại Thanh Tuyền với 150ha. Mục tiêu xây dựng vườn măng cụt có mẫu mã đẹp, năng suất từ 6 - 8 tấn/ ha và cho thu nhập khoảng từ 150 triệu đồng đến 240 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền là người tiên phong thực hiện mô hình trồng cây măng cụt trên địa bàn xã cách đây gần 20 năm. Nhờ mô hình này, gia đình ông đã có cuộc sống ngày càng ổn định, thu nhập cao. Ông Nguyễn Văn Tỵ, cho biết: “Từ một người không có nổi miếng đất chọi chim, nhưng nhờ vào mô hình trồng cây măng cụt, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng ổn định. Hiện nay, trên diện tích hơn 1ha, mỗi năm tôi thu hoạch được 5 tấn măng cụt, bình quân thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm”.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Trước thực tế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là nhãn hiệu tập thể các loại trái cây khá phổ biến, nhưng các chủ sở hữu chưa mạnh dạn hoặc chưa có biện pháp đấu tranh cụ thể để bảo vệ quyền lợi đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu trái măng cụt của huyện Dầu Tiếng là rất cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Việc có được giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm măng cụt sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ uy tín của nhà sản xuất, giúp người trồng cây an tâm hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, các ngành chức năng có điều kiện để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn lọc giống thích nghi, cải tạo các biện pháp canh tác, nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm”.
Theo bà Linh, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể còn là một điều kiện, một giấy thông hành để sản phẩm măng cụt của huyện Dầu Tiếng đáp ứng được yêu cầu hội nhập vào thị trường thế giới ngày một cao. Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể măng cụt Dầu Tiếng cho người dân trồng măng cụt. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, bảo đảm việc xúc tiến thương mại có hiệu quả. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo tồn giống măng cụt ngon, truyền thống của địa phương. Tạo quy trình canh tác chuẩn cho việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ trái măng cụt với thương hiệu măng cụt Dầu Tiếng, có chất lượng tiêu chuẩn đóng gói đặc trưng. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nông với sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, chia sẻ: “Thật vui mừng và tự hào hơn khi sản phẩm măng cụt của người nông dân Thanh Tuyền nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”. Sản phẩm của người nông dân chúng tôi có tiêu chuẩn chung về quy trình sản xuất cũng như đóng gói, bảo quản. Thương hiệu măng cụt Dầu Tiếng đã làm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập. Măng cụt đã trở thành sản phẩm đặc sản của vùng quê Thanh Tuyền”.
“Hiệu ứng từ nhãn hiệu tập thể măng cụt Dầu Tiếng làm cho các vùng sản xuất trên địa bàn huyện học tập, tập hợp các nhà sản xuất trong vùng cùng có chung loại sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu tập thể. Qua sự tập hợp đó, số lượng vườn trái cây truyền thống của địa phương là cơ sở vững chắc cho việc phát triển với du lịch vùng Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, nông dân trồng măng cụt từng bước ý thức việc tuân thủ theo quy trình canh tác, vừa đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, vừa bảo vệ môi trường. Với quy trình canh tác ưu tiên sử dụng phân hữu cơ giúp hệ sinh thái cân bằng đất tơi xốp, hạn chế hiện tượng chai đất, đất bị thoái hóa”, bà Linh cho biết thêm.
Vị thế của măng cụt Dầu Tiếng đang ngày một nâng cao khi nhiều đầu mối ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã tìm đến mặt hàng với số lượng lớn. Người trồng măng cụt Dầu Tiếng ngày càng khẳng định được thương hiệu, là sản phẩm truyền thống, hình ảnh quê hương khi kết hợp với du lịch sinh thái theo chủ trương quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, để nhãn hiệu măng cụt Dầu Tiếng ngày càng phát triển, trong thời gian tới người dân cần tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm dân gian để phát triển vườn cây của mình, bảo đảm sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, thu hoạch bảo quản và vận chuyển an toàn, góp phần củng cố chất lượng và bảo vệ nhãn hiệu cho sản phẩm nổi tiếng của địa phương.
PHƯƠNG LÊ