Gia tăng cơ cấu để thương mại - dịch vụ phát triển bền vững - Kỳ 2

2024-07-30 08:24:48

Kỳ 2: Đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư

Trên đà hướng tới phát triển bền vững, Bình Dương đang nỗ lực phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thế hệ mới, tạo bứt phá, tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

 Trung tâm thương mại vòng xoay Chu Văn An thuộc thành phố mới Bình Dương với tên gọi là WTC Gateway hứa hẹn sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà bán lẻ, F&B, dịch vụ giải trí…

 Khơi dòng đầu tư

Phát biểu tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X vừa qua, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhận định: Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh được 825 triệu USD, đạt 85% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy lợi thế cạnh tranh của tỉnh về thu hút đầu tư đã có dấu hiệu giảm dần và cần có giải pháp đột phá hơn để thu hút mạnh trở lại.

Và để dòng vốn FDI “chảy” mạnh trở lại vào Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút vốn FDI tăng trở lại trong thời gian tới. Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa tối đa và công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính. “Một trong những định hướng quan trọng là tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới để thúc đẩy phát triển”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CICOR Việt Nam, cho rằng: “Để tiếp tục thu hút được nguồn vốn chất lượng cao, Bình Dương cần nâng tầm phát triển các hệ sinh thái theo hướng xanh, thông minh và tiện ích. Bên cạnh việc chú trọng phát triển hệ sinh thái dịch vụ phục vụ công nghiệp, tỉnh cần phát triển môi trường sống với điều kiện tiện nghi cho các chuyên gia, các nhà đầu tư; cùng với đó là hệ thống giáo dục chất lượng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Trên thực tế, thành phố mới Bình Dương đến nay đã được định vị để trở thành thành phố của khoa học, giáo dục, tài chính và dịch vụ chất lượng cao. Nơi đây là điểm đến của các hoạt động thương mại và giao thương quốc tế, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút và phát triển các khu công nghiệp xung quanh, trở thành điểm nhấn lan tỏa nhằm nâng cấp đô thị của Bình Dương. Theo ông Huỳnh Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực TM-DV chất lượng cao, thành phố mới Bình Dương trong thực tế không chỉ tạo diện mạo mới cho Bình Dương mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy diện mạo lĩnh vực TM-DV của tỉnh phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Liên kết làm nên sức mạnh

Theo bà Phạm Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong quy hoạch, Bình Dương chú trọng phát triển các ngành TM-DV đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong đó, ngành logistics được định hướng sẽ trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng chính của toàn ngành TM-DV tỉnh Bình Dương, dựa trên 3 yếu tố.

Yếu tố đầu tiên là tính kết nối liên vùng tạo ra mắt xích quan trọng của vùng tứ giác động lực phía Nam cũng như có khả năng tiếp cận đến thị trường quốc tế thông qua các hạ tầng giao thông nối dài đến các cảng hàng không quốc tế và cảng biển lớn. Thứ hai, hình thành trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng nhanh với nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, đáp ứng nhu cầu phân phối trên diện rộng của các DN sản xuất lớn đang có mặt trên địa bàn tỉnh. Thứ ba, hình thành trung tâm thương mại điện tử, hướng tới phục vụ cho các thị trường lớn trong khu vực.

Ông Horie Masahiro, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cho hay: “Chúng tôi quyết định đầu tư vào Bình Dương không chỉ vì tiềm năng kinh tế mà còn vì sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý của tỉnh. Sự hợp tác này không chỉ là một cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội để chúng tôi đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực. Theo đó, tập đoàn sẽ mở rộng các lĩnh vực đầu tư gồm TM-DV, cho thuê tòa nhà, đầu tư hệ thống giao thông công cộng…”.

Trong khi đó, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm thương mại thế giới Bình Dương cho biết Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) sẽ sớm khởi công trung tâm thương mại thứ hai tại vòng xoay Chu Văn An, thuộc thành phố mới Bình Dương với tên gọi là WTC Gateway. Khi hoàn thành, WTC Gateway sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với diện tích 168.000m2 bao gồm nhiều hạng mục như đài phun nước ngoài trời, quảng trường lớn, trung tâm mua sắm cao 6 tầng, rạp chiếu phim, khu ẩm thực, khu vui chơi thể thao trong nhà, khách sạn, văn phòng hội nghị và cả nhà ga Metro trung tâm của thành phố mới Bình Dương.

Cũng theo bà Linh, WTC Gateway được chủ đầu tư đánh giá sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà bán lẻ, F&B (thực phẩm và ăn uống), dịch vụ giải trí… cho người dân, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh cho các DN địa phương. WTC Gateway còn là ga Metro trung tâm của thành phố mới Bình Dương, giúp kết nối với các khu vực khác trong tỉnh và cả đến TP.Hồ Chí Minh. Điều này sẽ giúp cho việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn, giúp cho người dân có thể tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. (còn tiếp)

 “Các DN cần tăng cường kết nối với nhau để tạo ra năng lực cạnh tranh tốt hơn trong lĩnh vực TM-DV. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, vai trò của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN, nhất là trong hoạt động hỗ trợ kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường”.

(Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương)

TIỂU MY

Báo Bình Dương