Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng
(BDO) Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc mới ở hầu hết các huyện, thị, thành phố.
Theo báo cáo ca chẩn đoán vào viện, cuối tháng 4 toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.000 ca mắc SXH nhưng chỉ trong vòng 2 tháng gần đây số ca mắc tăng lên hơn 4.800 ca, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 17,6%. Trong tổng số 4.800 ca mắc SXH có 8 ca tử vong, xảy ra ở các địa phương: TP.Dĩ An 5 ca, TX.Tân Uyên 2 ca và TP.Thuận An 1 ca.
Người dân lật úp vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt lăng quăng, ngăn chặn mầm bệnh SXH.
Trước thực tế số ca bệnh SXH tăng cao, các địa phương tiến hành xử lý ổ dịch đạt tỷ lệ 99% với 2 hình thức là diệt lăng quăng và kết hợp giữa diệt lăng quăng với phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, công tác diệt lăng quăng vẫn chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến tình trạng ca bệnh kéo dài, lan rộng, cán bộ y tế cơ sở quá tải, thiếu hụt. Đặc biệt, ca bệnh SXH tăng cao còn do ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống SXH. Một số người dân còn chủ quan, lơ là, nhẫm lẫn giữa các triệu chứng SXH với dịch bệnh Covid-19.
Cùng với dịch bệnh SXH, dịch bệnh tay chân miệng cũng diễn biến phức tạp. Số ca mắc trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng mạnh trong tháng 5-2022, với 703 ca. So với 1 tháng trước đó (4-2022), số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 2,6 lần. Tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh tay chân miệng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021, có 1 trường hợp tử vong.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo các dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh đạt hiệu quả. Theo đó, đối với SXH biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Người dân cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh SXH là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như: Chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)... Bệnh trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6, với biểu hiện trụy tim mạch như tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.
Tin, ảnh: Kim Hà