Giá sữa tăng đột biến: Bài toán nào để bình ổn?

Thứ hai, ngày 10/03/2014

Giá sữa ở Việt Nam tăng 5 - 6 lần/năm, trung bình từ 5 - 10%/ lần trong nhiều năm qua đặt ra dấu hỏi lớn trong người tiêu dùng.  

Trong 3 tháng đầu năm 2014, giá sữa đang có tốc độ tăng phi mã đặt ra sự nghi ngờ các hãng sữa lớn “bắt tay” để “móc túi” người tiêu dùng

Đồng loạt tăng giá!

Thời gian gần đây rất nhiều phụ huynh thường xuyên đi mua sữa đã không khỏi bất bình khi giá sữa liên tục tăng. Anh Danh, một nhân viên ngân hàng ở TP.Thủ Dầu Một, nói: “Giá sữa mỗi lần nhích một chút, chưa đầy 3 tháng đã tăng đến hơn 20.000 đồng/hộp làm tôi thật sự rất bất ngờ. Trước đây tôi thường mua sữa nhập ngoại cho con, nhưng hơn 1 năm trở lại đây tôi phải chuyển sang dùng sữa nội vì giá tăng mãi. Nhà có 2 đứa bé, ít ăn lại đau ốm liên miên nên phải dùng nhiều sữa. Một tháng riêng tiền sữa trung bình đã tiêu tốn trên 3,5 triệu đồng. Ấy vậy, mà từ đầu năm đến giờ, giá sữa ngoại nhập lẫn nội đều tăng chóng mặt, gây khó cho người tiêu dùng”.

Theo chị Nga, chủ cửa hàng sữa Ngọc Nga trên đường Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết bắt đầu từ đầu năm 2014 đến nay, trong hơn 60 sản phẩm sữa dành cho trẻ nhỏ lẫn các bà mẹ, người già đang bày bán tại cửa hàng thì chỉ có duy nhất một vài sản phẩm sữa của Nuti là chưa tăng giá (do còn hàng tồn) nhưng hãng này cũng thông báo thời hạn áp dụng giá bán mới từ ngày 19-3 tới đây. Nghĩa là 98% các nhãn sữa từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu đều tăng, với mức tăng dao động từ 10- 17%. Các nhãn sữa nội lẫn ngoại đều đua nhau tăng giá. Các đại lý lý giải do các yếu tố cấu thành giá tăng thì giá bán phải tăng tương ứng. “Gần đây, các nhà cung cấp không thông báo bằng văn bản cho cửa hàng mà chỉ thông báo miệng và cho khoảng thời gian ngắn gom tiền để “ôm” hàng. Nhưng “lực bất tòng tâm”, dù biết có những sản phẩm sữa giá sẽ tăng, cửa hàng muốn nhập nhiều hơn bình thường nhưng cũng không thể. Thế là đành phải bán giá mới dù biết rằng giá tăng sức tiêu thụ sẽ giảm”, chị Nga cho biết thêm.

Ngành chức năng Bình Dương nói gì?

Trước tình hình giá sữa trên thị trường tăng hỗn loạn và dư luận nghi ngờ có hiện tượng thao túng thị trường, độc quyền và các ông lớn ngành sữa liên kết đẩy giá sữa lên cao. Mới đây, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định thành lập 5 đoàn thanh tra với 5 doanh nghiệp (DN) sữa là Mead Johson, Nestle, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Friesland Campina (Dutch Lady) và Công ty Cổ phần dinh dưỡng 3A nhằm làm rõ việc tuân thủ quy định quản lý giá của DN. Theo đó, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn 2200/BTC0QLG ngày 21-2-2014 về việc tăng cường quản lý giá sữa của các DN sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Tại Bình Dương, Sở Tài chính và Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) - Sở Công Thương cũng vừa tiến hành thanh kiểm tra, nhưng tình hình cũng không có gì mới. Thông tin từ Sở Tài chính cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 3 công ty sản xuất sữa, nhưng có 2 công ty là Công ty sữa Dutch Lady đăng ký giá với Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, còn Vinamilk lại đăng ký giá với Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh. Còn lại là Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương thuộc diện phải kê khai đăng ký giá với Sở Tài chính địa phương.

Trả lời câu hỏi liệu việc tăng giá có hợp lý hay không, đại diện Sở Tài chính Bình Dương cũng cho hay không thể khẳng định 100%, vì việc nắm bắt diễn biến tăng giá của DN đều dựa theo… báo cáo của DN. Căn cứ theo hồ sơ đăng ký giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Nutifood Bình Dương, mức kê khai giá đề nghị điều chỉnh từ ngày 10-2- 2014 của 13 trong tổng số 33 sản phẩm với mức tăng trung bình 10%. Theo hồ sơ của công ty, nguyên nhân giá tăng là do giá nhập khẩu nguyên liệu sữa bột các loại tăng mạnh so với năm 2013, từ 55 - 66% tùy loại. Vì vậy, công ty điều chỉnh giá bán ra thị trường phổ biến với mức tăng phổ biến 10%. Đại diện Sở Tài chính cho biết so với yếu tố đầu vào, qua kiểm tra, theo dõi và thuyết minh về cơ cấu tính giá sữa đăng ký giá, với tỷ lệ tiết giảm các chi phí như chi phí sản xuất chung 14% và các chi phí khác là 44% thì mức giá bán tăng tương ứng khoảng 10% so với tháng 12-2013. Do đó, mức điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả thị trường. Về trường hợp các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng không chịu bất kỳ sự quản lý đăng ký giá gì tại địa phương, đại diện Sở Tài chính cũng trần tình, do theo phân cấp của bộ, dù ngành chủ quản địa phương đã nói yêu cầu các hãng gửi kèm thông báo tăng giá đến Sở Tài chính, không cần chứng minh lý do, nhưng DN chỉ ậm ờ cho qua chuyện, nên sở chẳng nắm thông tin gì về chuyện tăng giá.

Về phía QLTT, Trưởng đoàn kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Phụng cho biết cơ quan quản lý gặp khá nhiều khó khăn do thiếu văn bản pháp lý để yêu cầu kiểm tra các DN. Theo Thông tư 29/2012/ TT-BCT ngày 5-10-2012 của Bộ Công Thương, quy định các đơn vị kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt thì thuộc đối tượng không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng đến nay Bộ Công Thương chưa có văn bản hưởng dẫn cụ thể. Chính vì chưa giải thích rõ các đối tượng thuộc diện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nên khi kiểm tra phát hiện có vi phạm cũng không có chế tài xử lý.

Bà Phụng cũng đề cập đến vấn đề các hãng sữa cố tình lách quy định kê khai giá và đăng ký giá mỗi khi điều chỉnh tăng giá bán bằng việc thay đổi tên sản phẩm (ghi trên nhãn sản phẩm) từ sữa bột sang “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung” hoặc “thực phẩm dinh dưỡng công thức”… nhưng thực chất thành phần chính của sản phẩm vẫn là sữa bột. Cách né quy định hết sức tinh vi này gây không ít khó khăn cho người tiêu dùng trong việc chọn lựa sản phẩm và các cơ quan hữu quan trong việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng này. “Do vậy, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần sớm tham mưu Chính phủ quy định rõ nội dung tên hàng hóa trên nhãn đối với các sản phẩm này để tránh sự nhầm lẫn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sớm có văn bản hưởng dẫn giải thích rõ nội dung nêu trên nhằm xử phạt, khống chế hành vi tăng giá bất bình thường để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, bà Nguyễn Thị Phụng kiến nghị.

Cuối tháng 2 vừa qua, Đoàn kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa tỉnh Bình Dương đã kiểm tra 14 đơn vị sản xuất, đại lý và nhà phân phối các sản phẩm sữa tập trung tại các địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Bến Cát. Qua kiểm tra đã phát hiện 3 đơn vị vi phạm về kinh doanh không đúng nội dung, không giấy chứng nhận ATTP, đã xử phạt tổng số tiền 22 triệu đồng.

TRÚC HUỲNH