Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng

Thứ hai, ngày 01/10/2012

Rau xanh “đội giá” vì mưa bão 

Chị Hai (P.Phú Cường, TP.Thủ  Dầu Một) là khách hàng thường  xuyên của các quầy rau xanh tại  chợ Thủ Dầu Một cho biết, bình  thường giá rau rất rẻ, nhưng mấy  ngày qua giá rau xanh đang tăng  dần. “200g rau răm, húng lủi và  rau kinh giới mua tại chợ dạo trước  chỉ khoảng 2.000 đồng, nhưng  nay phải 5.000 đồng. Đi chợ mùa  mưa bão, các bà nội trợ dường  như cũng có “bão” trong lòng”,  chị Hai thở dài nói với chúng tôi.  Không chỉ ở chợ Thủ Dầu Một mà  tại hầu hết các chợ lẻ trên địa bàn  TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An  giá rau xanh đều đã tăng mạnh so  với trước đó một tuần và tăng đều  ở hầu hết các loại như cà chua,  dưa chuột, cà nâu, bầu bí, bó xôi,  rau muống, hành ngò... 

Giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm do giá xăng dầu thế giới vẫn đang ở mức cao; cùng với    đó giá gas dự kiến còn tăng tiếp do sự bất ổn ở khu vực Trung Đông và nhu cầu dự  trữ sưởi ấm vào mùa đông ở nhiều nước. Giá xăng dầu và gas ở mức cao sẽ tác  động làm tăng giá các mặt    hàng tiêu dùng thiết yếu.   

Tại các chợ Lái Thiêu, chợ  Búng (TX.Thuận An), cải bẹ  xanh, cải ngọt giá tăng 2.000  đồng lên 12.000 đồng/kg, dưa  chuột tăng từ 10.000 đồng lên  13.000 đồng/kg... Tại chợ Phú  Hòa (phường Phú Hòa, TP.Thủ  Dầu Một), giá cà chua, khoai tây  cũng tăng nhẹ so với cuối tuần  trước với mức tăng khoảng 2.000  đồng/kg. Theo nhận xét của một  tiểu thương kinh doanh rau xanh  tại đây, các loại rau thơm có  mức tăng thấp nhất. So với mức  giá 18.000 đồng/kg trước đó thì  những ngày gần đây, rau thơm  chỉ tăng thêm 2.000 đồng. Các  loại rau có xuất xứ từ Đà Lạt cũng  đang trên đà tăng giá với mức  tăng phổ biến từ 20 - 30%, có loại  đạt mức tăng “phi mã” tới 50%.  Cụ thể, ớt xanh Đà Lạt trước  đây chỉ 30.000 đồng/kg thì nay  là 35.000 đồng/kg; hành lá tăng  20.000 đồng/kg, ngò rí 40.000  đồng/kg. Theo lý giải của người  bán, một số loại rau như xà lách,  rau thơm về chợ ít, lại hư hỏng  nhiều nên giá bị đẩy lên đột ngột.  Ví dụ như xà lách Pháp từ 20.000  đồng/kg trong tuần trước đã tăng  lên 35.000 đồng/kg; xà lách cuộn  từ 35.000 - 40.000 đồng/kg nay  tăng lên 60.000 đồng/kg... “Giá  các loại rau cải có thể sẽ trở về  mức cũ khi nắng ráo trở lại”, chị  Oanh, một tiểu thương tại chợ  Thủ Dầu Một nhận định. 

Mặc giá rau xanh tăng nhưng  giá các loại thực phẩm tươi sống  tại chợ vẫn ổn định. Theo đó, giá  thịt heo, bò, gà vẫn không tăng;  giá tôm sú vẫn ở mức 180.000  đồng/kg; mực lá, mực ống từ  130.000 - 170.000 đồng/kg; cá  thác lác, cá kèo, cá lóc vẫn ở mức  cũ. Theo những người bán hàng,  do thời tiết mưa bão nên chợ vắng  người mua, tình hình tiêu thụ  chậm, nên giá không tăng. 

Hàng hóa siêu thị chuẩn  bị tăng giá

Khảo sát tại một số siêu thị  trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một  tuần qua, cho thấy lượng khách  đến mua sắm tại siêu thị vẫn khá  tấp nập. Hầu hết những người  đến mua sắm tại siêu thị đều cho  rằng mua hàng tại đây không sợ  bị mưa và lội bùn, giá cả lại ổn  định. Đại diện siêu thị Co.opMart,  cho biết phần lớn giá các mặt  hàng thực phẩm như thịt, cá, rau  tươi… đều chưa biến động. Nếu  muốn tăng giá các mặt hàng này  thì nhà cung cấp phải đề xuất  trước một tháng. Tuy nhiên, theo  đại diện các siêu thị thì mặt bằng  giá tại siêu thị sẽ thay đổi theo  hướng tăng dần trong vài ngày  tới. Nguyên nhân là do các loại  chi phí cơ bản đầu vào như xăng  dầu, điện, nước, gas... đã tăng từ  vài tháng trước nên các nhà sản  xuất yêu cầu tăng giá bán sản  phẩm và giá nhiều mặt hàng sẽ  phải điều chỉnh tăng thêm từ 5 -  10%. Giám đốc Co.opMart Bình  Dương Võ Hữu Thạch cho biết,  từ cuối tháng 8 đến nay, hệ thống  Co.opMart đã nhận được thông  báo tăng giá từ nhiều nhà cung  cấp thuộc nhiều ngành hàng. Do  đó, bước sang tháng 10, giá một  số sản phẩm may mặc, đồ dùng  gia đình, thực phẩm, hóa mỹ  phẩm... sẽ tăng thêm 10%. 

Phân tích xu hướng tình  hình giá cả trong nước những  ngày tới, Bộ Tài chính dự báo  mặt bằng giá cả thị trường sẽ  chịu tác động bởi một số yếu  tố như giá nguyên vật liệu trên  thị trường thế giới dự báo có xu  hướng tăng (lương thực, thức ăn  chăn nuôi, gas...). Trong nước,  tác động của việc điều chỉnh  tăng giá xăng dầu trong tháng  8, giá dịch vụ khám chữa bệnh  được điều chỉnh tăng tại một số  địa phương. Ngoài ra, dịch bệnh  trên vật nuôi chưa được khống  chế hoàn toàn có thể tác động  tâm lý tiêu dùng làm tăng giá  thực phẩm thay thế và mùa mưa  bão tiếp diễn có thể tác động  đến nguồn cung thực phẩm. 

TRÚC HUỲNH