Giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng!
Quy luật cung cầu những tháng cuối năm cộng với những khó khăn về vốn phục vụ sản xuất làm cho giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng thêm từ 5 - 15%. Tuy nhiên, theo nhận định của người kinh doanh, từ nay đến tết đà tăng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa dừng lại.
Do nguyên liệu, tỷ giá, chi phí sản xuất... tăng cao nên giá dầu ăn sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng thêm khoảng 1.000 đồng/lít theo lộ trình tăng giá 3.000 đồng/lít đến hết tháng 12-2010, đó là giải thích của một nhân viên tiếp thị dầu ăn trong nước hiệu Neptune về sự điều chỉnh tăng giá lên 2.000 đồng/lít của nhãn hàng này (từ ngày 6-12). Nhân viên này cho biết, tất cả các thành viên trong Hiệp hội Dầu ăn sẽ phải điều chỉnh tăng giá, vấn đề là sớm hoặc muộn. Hiện dầu ăn Tường An, Neptune, Simply, Nakydaco đã đồng loạt tăng giá bán trung bình thêm 2.000 đồng/chai loại 1 lít.
Giá hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới
Ghi nhận tại các chợ lẻ trên địa bàn TX.TDM, từ đầu tháng 12, giá một số loại rau hàng bông như khổ qua, bầu, bí, mướp, dưa leo, cà nâu, hành lá có xu hướng giảm nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng, ở mức 6.000 - 10.000 đồng/kg. Trong đó, các loại cải xà lách giảm khoảng 5.000 đồng/kg, ở mức 20.000 đồng/kg. Nhưng ngược lại các loại rau sống tăng 5.000 đồng/kg, ở mức 20.000 đồng/kg. Trong khi mặt hàng thủy hải sản như cá kèo (90.000 đồng/kg), thát lát (230.000 đồng/kg) giảm 20.000 - 30.000 đồng/kg và giá các loại tôm, mực, cá lóc nuôi, cá rô... vẫn giữ nguyên thì giá mặt hàng thịt gà, vịt đang nhích lên. Giá gà Tam Hoàng nguyên con 58.000 đồng/kg; gà ta nguyên con 130.000 đồng/kg, gà ta chặt miếng cũng đã tăng lên 170.000 đồng/kg và đang có dấu hiệu tăng thêm do chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn đang tăng khá mạnh. Hiện giá thịt heo đùi cũng tăng 2.000 đồng/kg, đang ở mức 60.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 70.000 đồng/kg, có nơi còn bán 78.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, dù nguồn cung thịt heo đủ đáp ứng nhu cầu song giá chắc chắn sẽ tăng thêm ít nhất 5.000 đồng/kg. Đối với các siêu thị, nhờ chương trình bình ổn giá nên phần nào đà tăng giá được giảm “nhiệt”, nhưng lãnh đạo các Siêu thị Citimart, Hải Long, Coop.mart cho biết, một số nhóm hàng phục vụ tết như bánh, kẹo, nước giải khát, sữa, rượu, bơ, phô mai... cũng đã tăng giá từ 5 - 15%.
Cùng lúc đó, với những biến động giá cả của tháng 11, theo dự báo thị trường giá cả tháng 12-2010 vừa được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố, giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản tiếp tục ở mức cao do nhu cầu cho dịp lễ Noel và Tết Dương lịch gia tăng trong khi nguồn cung còn ở mức thấp, tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm. Đặc biệt, do tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, từ nay đến Tết Nguyên đán, với tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc nếu không có biện pháp hạn chế, nguồn cung gia súc trong nước thiếu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm có tính thay thế và kéo theo gây áp lực tăng giá các hàng hóa, dịch vụ khác.
Cục Quản lý giá nhận định, diễn biến về giá vàng và tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua đã tác động tới tâm lý tăng giá trên thị trường. Mặt khác, theo quy luật tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tăng; lượng tiền cung ứng ra lưu thông tăng hơn những tháng bình thường gây sức ép tăng giá. Dù sản xuất đã đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn như lãi suất vay ngân hàng cao, thiếu điện phải tốn chi phí chạy máy phát điện,... làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Với những yếu tố trên, theo cơ quan này, trong tháng cuối của năm 2010, giá nhiều mặt hàng thiết yếu có thể tăng nhẹ.
Tuy nhiên, cũng theo Cục Quản lý giá, có nhiều yếu tố tác động làm giảm áp lực tăng giá như cân đối cung - cầu hàng hóa, chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị và hệ thống bán hàng lưu động được ngành công thương tổ chức rộng khắp cả nước; dịch vụ về cơ bản tiếp tục được giữ vững; giá các mặt hàng điện, than bán cho điện và bán cho sản xuất phân bón, xi măng, giấy tiếp tục được giữ ổn định; giá xăng dầu được bình ổn thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngoài ra, các biện pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ... mà Chính phủ triển khai cũng sẽ góp phần làm bình ổn giá thị trường.
TRÚC HUỲNH