Giá mủ, gỗ cao su tăng: Vẫn chưa hết lo
Giá mủ cao su và nguyên liệu gỗ cao su tăng, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh đang gặp thuận lợi. Tuy vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người trồng cao su không nên “bán lúa non”.
(BDO)
Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng khai thác mủ cao su. Ảnh: XUÂN VĨ
Xuất khẩu mủ cao su tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng mủ cao su của cả nước xuất khẩu trong tháng 9-2017 ước đạt 174.000 tấn, giá trị đạt 279 triệu USD. Tính chung trong 9 tháng qua, cả nước xuất khẩu 979.000 tấn mủ cao su, giá trị đạt 1,66 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 52,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2017 đạt 1.715,7 USD/tấn, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhu cầu về cao su trên thị trường thế giới tăng mạnh đã làm cho giá mủ cao su tăng cao. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, giá mủ cao su tăng, công ty đã liên tục điều chỉnh giá thu mua đối với các vườn trồng cao su tiểu điền. Đến thời điểm này, có thể nói giá mủ cao su tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Các chuyên gia trong ngành cao su cho biết, giá mủ cao su thời gian gần đây tăng là do ảnh hưởng lũ lụt xảy ra ở một số nước khu vực Đông Nam Á, làm sản lượng mủ giảm; trong khi đó nhu cầu tại thị trường Liên minh châu Âu tăng, nên giá mủ cao su liên tục nhích lên từ đầu năm. Điều đáng nói, khu vực Đông Nam Á đang chiếm đa số sản lượng cung cấp mủ cao su của toàn cầu.
Chị Nguyễn Thị Lanh, ở xã An Linh, huyện Phú Giáo, phấn khởi cho biết giá mủ cao su tăng trở lại làm các gia đình trồng cao su trong xã chú trọng đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho vườn cao su. Vài năm trước khi giá mủ chạm đáy, nhiều vườn cao su trên địa bàn bị bỏ hoang, thậm chí nhiều người còn không tổ chức cạo mủ vì giá mủ không đủ bù đắp cho chi phí nhân công.
Cần ổn định vườn cây
Ông Phạm Viết Lâm, ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, chuyên mua bán vườn cao su tiểu điền, cho biết những tháng qua giá thu mua gỗ cao su thanh lý của các hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Hơn 10 năm làm nghề thu mua gỗ cao su thanh lý chưa bao giờ ông chứng kiến giá gỗ cao su tăng nhanh như hiện nay. Theo ông Lâm, đã có nhiều thương lái nước ngoài vào tỉnh thu mua vườn cao su thanh lý khiến cho việc thu mua gỗ cao su của ông gặp rất nhiều khó khăn vì cạnh tranh không lại. Để duy trì hoat động thu mua gỗ, ông đã phải đến các khu vực xa hơn như huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo để mua nguồn gỗ thanh lý về bán lại.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thông tin thêm hiện nhiều nước trong khu vực đã đóng cửa rừng, làm nguồn nguyên liệu gỗ thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, thị trường Liên minh châu Âu lại đang ưa chuộng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ cây cao su, nên nguyên liệu gỗ cao su hiện đang rất “nóng”.
Trước thực tế giá gỗ cao su tăng mạnh, đã có một số người trồng cao su trong nước bán cây cho thương lái. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh cần cân nhắc kỹ càng khi quyết định tăng diện tích trồng cao su và bán cây cao su. Bởi hiện nay, diện tích cao su của tỉnh đã vượt quy hoạch đến năm 2020. Đối với các nước có diện tích cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang có kế hoạch giảm dần diện tích cao su để tránh mất cân đối cung - cầu, khiến giá mủ cao su giảm. Người trồng cao su cũng cần lưu ý, thời điểm này giá mủ và cây cao su đang tăng giá, nhưng không vì thế mà “bán lúa non”, chạy theo giá cả nhất thời có thể khiến thiệt hại lớn hơn về sau.
XUÂN VĨ