Già hóa dân số và nỗi lo an sinh xã hội!
Thông tin Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Tổng cục Dân số đưa ra tại cuộc họp báo với chủ đề “Già hóa dân số Việt Nam: Các thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” cho biết tốc độ già hóa dân số Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Các cơ quan này cũng khuyến cáo, cần thiết phải xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách về an sinh xã hội phù hợp để đáp ứng với giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh này.
Hiện tại, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số bởi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã chiếm gần 10%. Khi tỷ lệ này đạt 20%, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn cơ cấu dân số già. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang cơ cấu dân số già, theo tính toán chỉ mất 20 năm, một thời gian rất ngắn so với các quốc gia khác. Trong khi đó, giai đoạn chuyển đổi này đối với Thụy Điển là 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan 22 năm... Điều đáng lo ngại là đa số các nước trên thế giới, cơ cấu dân số già đến sau khi nền kinh tế đã phát triển. Riêng Việt Nam, cơ cấu dân số già đến sớm khi kinh tế đất nước đang trong thời kỳ phát triển, gây khó khăn lớn cho việc hoạch định các chế độ, chính sách dành cho người già. Điều này sẽ tác động mạnh đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, như số người già sống cô đơn, không được nương tựa sẽ tăng lên; hệ thống y tế cho người già chưa được đẩy mạnh; quỹ lương hưu cho người già, đặc biệt là người già ở nông thôn chưa được tính đến...
Theo tính toán của các chuyên gia, già hóa dân số sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu. Các chuyên gia lo lắng, nếu nhịp độ già hóa dân số vẫn tăng nhanh đều như hiện nay thì chỉ vài chục năm tới, người cao tuổi ở nước ta sẽ gặp khó khăn về chỗ ở và các dịch vụ chăm sóc. Bên cạnh đó, già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu, đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội cần được cải thiện. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện bởi ngân quỹ quốc gia còn hạn chế, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển. Ngoài ra, già hóa dân số sẽ khiến những thách thức kinh tế mới nổi lên. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Trên lĩnh vực chính trị, già hóa dân số có thể ảnh hưởng tới xu hướng bầu cử và tính đại diện.
Tất cả những hệ lụy nói trên nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai gần. Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, Việt Nam đang ở thời khắc duy nhất trong lịch sử để xây dựng chính sách và can thiệp sớm nhằm tác động tích cực và sâu rộng tới nâng cao cuộc sống và sức khỏe của nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng. Nếu làm được điều đó, già hóa dân số sẽ không phải là gánh nặng, mà thực sự là một thành tựu của sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
LÊ QUANG