Già hóa dân số và những thách thức

Thứ năm, ngày 07/01/2016

Già hóa là một xu thế tất yếu trong tiến trình dân số (DS). Bên cạnh những lợi thế, điều này cũng đặt ra những thách thức mới. Tại Bình Dương, dù vấn đề già hóa DS chưa xảy ra, nhưng nó sẽ diễn ra trong thời gian tới… 

 
 Quan tâm, chăm lo NCT là trách nhiệm của toàn xã hội

(BDO) Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện hơn. Điều này sẽ kéo theo việc gia tăng tuổi thọ của con người, từ đó nâng cao thể lực và sức khỏe của bộ phận người cao tuổi (NCT). Đây là một trong những lợi ích to lớn mà quá trình già hóa DS mang lại. Nó tạo điều kiện cho NCT tiếp tục đóng góp tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình vào quá trình lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Bên cạnh những lợi thế trên, già hóa DS cũng đặt ra nhiều thách thức không hề nhỏ đối với gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, già hóa DS sẽ dẫn đến 3 thách thức. Thứ nhất, già hóa DS sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho NCT ở nước ta chưa phát triển, đa số NCT vẫn sống nương tựa vào con cháu.

Mặt khác, do sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế mà nhiều người có xu hướng không sinh con hoặc sinh ít con. Những thế hệ con cháu ngày càng ít đi mà số lượng NCT ngày càng tăng, tạo áp lực nặng cho gia đình. Nếu nhịp độ già hóa DS vẫn tăng nhanh đều như hiện nay thì chỉ trong khoảng vài chục năm tới, NCT ở nước ta sẽ gặp khó khăn về vấn đề chỗ ở.

Chính vì vậy, đòi hỏi Nhà nước cần phải cải thiện hệ thống bảo trợ xã hội. Thứ hai, già hóa DS khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợcấp lương hưu, sức khỏe của NCT ngày càng bị suy giảm mạnh.

Hiện NCT Việt Nam đang mang gánh nặng bệnh tật kép do xu hướng bệnh chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và các bệnh mãn tính; đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như bệnh ung thư, căng thẳng và trầm cảm về tâm thần. Đáng chú ý, Việt Nam là một nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình thấp.

Tình trạng “già trước khi giàu” ở Việt Nam đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn cũng như sự phát triển hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện bởi ngân quỹ quốc gia còn hạn chế, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển.

Những chính sách an sinh xã hội cũng mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận NCT như người già neo đơn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi... Thứ ba, già hóa DS sẽ khiến những thách thức kinh tế mới nổi lên. Cơ cấu DS trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn.

Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tất cả những hệ lụy đó nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.

Thời kỳ già hóa DS đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ…

Để chủ động ứng phó với vấn đề già hóa DS, bác sĩ Thanh Hội, cho biết trong thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều giải pháp như tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về già hóa DS sao cho mỗi người dân, cộng đồng đều thấy rõ trách nhiệm của mình đối với lớp NCT.

Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền người dân cùng chung tay chăm sóc NCT, tạo điều kiện để NCT tự phát huy nội lực, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội, tiếp tục lao động, phát triển kinh tế.

Không chỉ quan tâm tới công tác DS-KHHGĐ, để ứng phó với vấn đề già hóa DS, trong thời gian tới, ngành DS sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác nâng cao chất lượng DS, từ đó tập trung nhiều hơn đến công tác tư vấn và chăm sóc NCT cả về thể chất lẫn tinh thần.

 CẨM LÝ