Giá hàng tiêu dùng “đi ngược” với giá xăng dầu
Ngày 22-12 vừa qua là lần thứ 12 trong năm giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm với biên độ giảm khá lớn 2.050 đồng/lít xăng Ron 92, nâng tổng mức giảm của loại xăng này từ đầu năm đến nay là 7.760 đồng/lít. Theo dự báo, giá xăng vẫn còn trong xu thế lao dốc do tác động của tình hình giá dầu thế giới. Dù xăng dầu nằm trong nhóm “chi phí đẩy” chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, nhưng đến nay giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên quan nhiều đến xăng dầu vẫn không giảm, mà ngược lại còn có dấu hiệu tăng!
(BDO)
Người tiêu dùng đang mong chờ giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm theo giá dầu. Ảnh: D.CHÍ
Cước vận tải vẫn… đứng yên!
Ngoài hãng taxi Vinasun đăng ký giảm giá cước trong lần giảm giá xăng dầu trước, đến nay chưa có doanh nghiệp, hãng vận tải nào trên địa bàn tỉnh đưa ra thông tin giảm giá cước, dù Bộ Giao thông - Vận tải liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, niêm yết giá vận tải phù hợp với giá xăng dầu. Lý do được lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải đưa ra là: Dù xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhưng tổng mức giảm lại có giá trị không lớn so với giá trị các loại phí, lệ phí, lương, cùng nhiều loại chi phí đang được điều chỉnh tăng. Mỗi khi điều chỉnh giá doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục như in ấn, đang ký mẫu vé mới rất mất thời gian, nên thay vì giảm giá, doanh nghiệp tìm cách nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Trưởng ban Quan hệ công chúng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, cho biết qua theo dõi tình hình giá cước vận tải, chi phí logistics có giảm do tác động của giá xăng dầu thế giới nhưng biên độ giảm không lớn và không công khai. Bởi vì nếu doanh nghiệp công bố giảm thì khách hàng sẽ tập trung vào, nhưng nếu năng lực phục vụ, chất lượng dịch vụ không bảo đảm sẽ là thách thức rất lớn cho họ. “Gia đình tôi cũng có doanh nghiệp vận tải. Trước tình hình giá xăng dầu tăng hay giảm thì mình cũng phải chủ động thương lượng với khách hàng để có sự điều chỉnh thích hợp. Trong môi trường cạnh tranh công khai và sòng phẳng như hiện nay, nếu mọi người tăng mà mình không tăng hoặc ngược lại đều tạo ra nguy cơ mất khách hàng”, ông Nhã chia sẻ.
Một cán bộ Ban quản lý chợ đầu mối Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) đưa ra dẫn chứng cụ thể: Giá xăng dầu giảm ai cũng biết nhưng giá cước vận tải không giảm mà ngược lại còn tăng là do trước đây xe tải nhỏ 1,5 tấn người ta chở 3 tấn/chuyến nên giá cước giảm từ 400.000 đồng/tấn hàng xuống còn 350.000 đồng. Một chuyến xe, nhà vận chuyển có thể thu cước trên 1 triệu đồng, nhưng từ đầu năm Chính phủ siết chặt quản lý xe quá tải, xe 1,5 tấn vận chuyển chỉ dám chở tối đa 1,2 tấn. Như vậy giá thành mỗi tấn hàng tăng từ 350.000 đồng lên 500.000 đồng/tấn.
Giá cả hàng tiêu dùng có dấu hiệu tăng
Bà Bé Ba, chủ một tiệm phở ở đường Võ Thành Long, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Giá xăng dầu giảm nhưng các mặt hàng tiêu dùng khác đều có dấu hiệu tăng trong dịp Noel và tiếp tục tăng trong dịp tết tới đây. Cụ thể, hành lá tăng 1.000 đồng/ kg; thịt bò tăng 3.000 đồng/kg; trứng gà tăng gần 1.000 đồng/ chục. Và mới đây, Chi cục Thuế TP.Thủ Dầu Một mời bà con tiểu thương đến để hiệp thương mức thuế năm 2015. Dù không nói thẳng ngay từ đầu nhưng kết thúc buổi hiệp thương nhiều người hiểu năm 2015 mức thuế mới sẽ tăng 25% so với mức cũ. Trước mắt, chúng tôi vẫn duy trì giá cũ cùng với chất lượng tô phở, nhưng nếu giá còn tiếp tục biến động thì phải tăng giá để tồn tại”.
Tìm hiểu vì sao các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản là đối tượng trực tiếp chịu tác động của giá xăng dầu mà lại có dấu hiệu tăng giá trong lúc này, ông Đoàn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV, nói: “Giá xăng vừa giảm trên 2.000 đồng/lít theo tôi chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Ví dụ, anh đi xe máy 100km mất 2 lít xăng, dịp này sẽ tiết kiệm được 4.000 đồng. Mà đem chia đều 4.000 đồng này cho các nguyên liệu tạo thành tô phở thì chưa thể giảm được do ảnh hưởng của nó không lớn”.
Một cán bộ Ban quản lý chợ đầu mối Phú Hòa, cho biết giá xăng giảm là do khách quan, chỉ trong một thời gian ngắn rồi lại tăng trở lại. Nhưng giá điện tăng thì đâu có giảm. Cọng rau từ nhà vườn ra đến chợ phải trải qua rất nhiều khâu, đến chợ rồi vào sạp nó còn tiếp tục cõng trên lưng biết bao là phí. Chẳng hạn, điện thắp sáng trong sạp bán rau phải trả với giá điện kinh doanh, cao hơn gấp đôi giá điện bình thường; rồi hàng loạt chi phí khác như phí vệ sinh, thuế… Còn một “chiêu hiểm” nữa là nhà vườn không tự quyết định được giá mà tất cả là do thương lái quyết định. Bây giờ diện tích đất nông nghiệp giảm, sản lượng giảm, số lượng người đi thu mua cũng giảm nên nhà nông thường chở thẳng hàng ra chợ đầu mối để giao cho chủ vựa. Dù chợ đang thiếu rau, bầu, bí… nhưng nhìn mã hàng thương lái, chủ vựa đoán biết hàng còn nhiều hay ít ngoài ruộng mà ra giá. Ví dụ, nhìn trái bầu non thì ai cũng biết mới thu hoạch, sản lượng sẽ còn tăng nên ép giá xuống. Đến khi thấy trái bầu già thì biết gần hết mùa nên tăng giá chút ít cho nhà nông. Vì vậy mới có chuyện bí, bầu tại vựa thu của nông dân 1.500 đồng/kg, bán sỉ ra 3.000 đồng/kg. Nhưng nếu mua lẻ thì phải 10.000 đồng/ kg là do không ai kiểm soát, quản lý mặt hàng này.
Vẫn phải chờ!
Ông Đoàn Minh Quang cho biết hiện giá xăng dầu thế giới đang trên đà lao dốc, các đối tác nước ngoài cũng không cho biết khi nào giá sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên thông tin từ khối các nước Ảrập cho biết là họ cương quyết duy trì sản lượng khai thác, như vậy sẽ gây thiệt hại cho những nước có nền kinh tế gắn liền với dầu mỏ, trong đó có Việt Nam. Từ tháng 6 đến tháng 12 mỗi thùng dầu thành phẩm đã giảm từ 118 đô la Mỹ xuống còn 62 đô la Mỹ, tương đương mỗi tấn dầu giảm đến 400 đô la Mỹ. Việt Nam xuất khẩu mỗi năm tương đương 16 triệu tấn, như vậy Nhà nước đã thất thu trên 6 tỷ đô la Mỹ. Có một gánh nặng mà doanh nghiệp đầu mối phải chịu là khi xăng dầu tăng giá thì đại lý đòi phải cấp đủ, cấp trước, nhưng khi giá giảm thì người ta lại trì hoãn, doanh nghiệp đầu mối phải rất khó khăn trong việc điều phối hàng hóa.
Ông Dương Minh Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương (TX.Thuận An), nhìn nhận cước vận tải rất nhạy cảm, xăng dầu lên thì một hai cước vận tải phải lên vì đó là chi phí đẩy. Nhưng khi giá xăng dầu liên tục xuống người ta dẫn ra hàng loạt câu chuyện có liên quan để không phải giảm giá. Riêng tình hình giá dầu giảm, rồi đồng Rúp của Nga liên tục mất giá cũng không ảnh hưởng gì lớn đến hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu, vì phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng là đi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản và đang thuận lợi.
Tiến sĩ PHAN QUANG VIỆT, Trưởng khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một: Doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ để giảm giá
Rõ ràng tình hình giảm giá xăng dầu là rất khách quan. Giá giảm cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình thu ngân sách vì giá giảm thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm, người tiêu dùng có lợi và quá trình này diễn ra liên tục. Do yếu tố khách quan nên nhà doanh nghiệp thông thái nên tận dụng thời cơ này để giảm giá nhằm tạo hình ảnh tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng và góp phần kích cầu tiêu dùng.
D.CHÍ