Giá điện theo cơ chế thị trường, nhưng phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát

Thứ hai, ngày 14/05/2012

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định chưa nhận được bất cứ đề xuất nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tăng giá điện. Tuy nhiên với thông tin vừa được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố về việc cả 3 yếu tố thông số đầu vào của điện đã tăng gần 3,30% và theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá điện thì việc tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo Cục Quản lý giá, tính đến đầu tháng 5-2012, cả 3 yếu tố thông số đầu vào của điện gồm tỷ giá, sản lượng phát điện và nhiên liệu đã tăng 3,29% (tương đương 42,95 đồng/kWh), trong đó, tỷ giá tăng 0,6%, giá khí tăng 10,4% (tăng dầu FO), than giảm 0,3%; sản lượng phát điện của thủy điện giảm 6,7%, nhiệt điện dầu giảm 9,73%. Bên cạnh đó, các khoản lỗ trước đây của EVN còn treo lại do phải kiềm chế giá, trong đó 15.463 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá (tính đến ngày 31-12-2011) và chênh lệch do mua điện giá cao, bán giá thấp khoảng 8.040 tỷ đồng. Trong thời gian tới, các khoản này sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương tính toán và xử lý, nhưng về nguyên tắc, các khoản lỗ được phép phân bổ nhưng không đưa cùng một lúc vào giá điện mà phân bổ dần trong một vài năm để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.Với các thông số trên của Cục Quản lý giá, EVN đã trình Bộ Công Thương 3 phương án tăng giá điện. Phương án 1, tăng dưới 5%; phương án 2, tăng 10%; phương án 3, tăng trong khoảng 5 - 10%. Tuy nhiên, đại diện Cục Điều tiết điện lực khẳng định, hiện đơn vị này chưa nhận được bất cứ đề xuất tăng giá điện nào từ EVN. Còn việc có điều chỉnh giá điện hay không sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương tính toán, cân nhắc dựa trên mục tiêu đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường nhưng bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trước đó, tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 4 của Bộ Công Thương diễn ra đầu tháng 5, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc cũng khẳng định: Thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như 2 Bộ Tài chính và Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện. Trong trường hợp tăng giá điện cũng sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và việc tăng giá điện không chỉ bảo đảm doanh thu cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo an sinh xã hội... Do đó, quá trình điều chỉnh giá điện của EVN đều phải được báo cáo và phải được sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, của các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế đất nước, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo TTXVN