Giá điện mới dự kiến áp dụng từ 1-3-2010
Sau khi EVN trình 4 phương án điều chỉnh giá điện, Cục điều tiết Điện lực đề xuất 3 phương án, cuối cùng Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng phương án thấp nhất với giá điện bình quân năm 2010 tăng 4,98% so với giá thực hiện năm 2009, áp dụng từ 1-3-2010.
Xung quanh vấn đề tăng giá điện từ năm 2010 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu đã có cuộc trao đổi với báo giới chiều 26-1.
Ông nhận định thế nào về 3 phương án giá điện do Cục điều tiết điện lực đề xuất?
Nếu so sánh với hai mức tăng 10,58% và kế đến là 5,68% thì phương án tăng giá điện thấp nhất ở mức 4,98% sẽ tác động không đáng kể tới nền kinh tế và đời sống nhân dân cũng như giá thành sản xuất.
Năm 2010, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa trong khi nền kinh tế của Việt Nam vừa mới “ốm” dậy, có muốn tăng thì phải từ từ. Để ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2010, Chính phủ đã giảm ưu đãi cho doanh nghiệp, như cắt gói hỗ trợ lãi suất, ngân hàng bắt đầu siết chặt tiền tệ, thị trường vay vốn khó khăn hơn, nhiều sắc thuế hồi phục trở lại.
Bây giờ nếu tăng thì càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn nữa. Chúng tôi đề xuất giá điện với phương án thấp nhất, để xem sức chịu đựng của nền kinh tế, đời sống như thế nào rồi sẽ tính toán thêm.
Cụ thể giá điện sẽ điều chỉnh như thế nào?
Chúng tôi trình phương án giá điện thấp nhất với giá điện bình quân năm 2010 là 1.019 đồng/kWh, tăng 4,98% so với giá bán điện bình quân thực hiện 2009 (970,9 đồng/kWh).
Với mức tăng giá điện chưa đến 5%, nếu Thủ tướng đồng ý phương án này, Bộ Công Thương sẽ có quyền ra quyết định. Thời điểm đề nghị áp dụng từ 1-3-2010.
Việc lựa chọn phương án tăng giá điện đều có sự tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng báo cáo đầy đủ tới Thủ tướng các ý kiến khác để Thủ tướng xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng.
Thực chất, việc đưa ra nhiều phương án điều chỉnh giá điện lần này là có nguyên nhân lớn xuất phát từ giá than. Vậy nếu giá điện tăng chưa tới 5% thì giá than sẽ như thế nào?
Trên cơ sở phương án đề xuất, nếu giá điện tăng chưa tới 5% thì giá than cho sản xuất điện chỉ tăng 15% so với giá than 2009. Thực tế, ngành than đòi tăng giá rất cao, tới 149% nhưng điện nếu chỉ tăng chưa đến 5% thì than chỉ được tăng như thế thôi. Than buộc phải chịu thiệt thòi một chút.
Than muốn thị trường hóa ngay nhưng chúng ta lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống là chính. Giá điện là tăng theo lộ trình mà nếu đầu vào của điện như là than, tăng giá mạnh quá thì điện không gánh nổi. Kể cả khí bán cho điện cũng thế. Giá điện mà cao quá thì người nghèo không thể chịu đựng được.
Giá điện được đề xuất tăng mức thấp nhất.
Hơn nữa, ngành than cũng không lỗ. Năm 2009, than còn lời mấy nghìn tỷ đồng. Vì thế, nếu than bán cho điện chỉ tăng 15%, mặc dù thấp dưới giá thành, song chúng tôi thấy, than vẫn chịu đựng được.
Rõ ràng, theo như ông nói thì giá điện mặc dù đã được điều chỉnh nhưng chưa phải là giá thị trường và sẽ còn tăng tiếp?
Thực tế, so với khu vực, giá điện của mình vẫn còn rất thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào tìm hiểu đầu tư ngành điện hoặc các tổ chức tài chính quốc tế cho mình vay tiền đối với dự án điện, nhìn thấy giá điện quá thấp họ cũng ngại.
Một vấn đề nữa, chúng ta tăng giá điện mạnh nhưng khi qui ra đồng USD thì lại vẫn tương đương, thậm chí còn thấp hơn so với cả chục năm trước đây. Trong khi đó, thu nhập của người dân chúng ta còn thấp, nên Chính phủ vẫn có chủ trương hỗ trợ giá điện cho nông thôn, vùng sâu xa, và người nghèo.
Vì thế, giá điện phải theo thị trường để ngang bằng với khu vực, khuyến khích đầu tư vào ngành điện, đảm bảo đủ điện cho đời sống và nền kinh tế. Chính phủ cũng đã có chủ trương về giá điện là sẽ phải tăng có lộ trình, tăng dần dần.
Xin cám ơn ông!
(Theo Dân Trí)